LoFree là một công ty khởi nghiệp chuyên làm những thứ như bàn phím hay loa di động với thiết kế hoài cổ. Chiếc bàn phím bluetooth mang tên LoFree này vốn là một dự án được ủng hộ trên Kickstarter.

LoFree DOT có vỏ bằng nhựa polycarbonate và thiết kế dày cộp, trọng lượng khoảng 800g. Cầm chiếc LoFree DOT này bạn sẽ cảm thấy nó nặng đằm khác hẳn với vẻ ngoài khá gọn của nó, theo cảm nhận của mình thì nó nặng hơn cả những chiếc bàn phím TKL chơi game và một phần là do tích hợp sẵn pin dung lượng 4000 mAh. Với số đo các vòng cùng cân nặng mập mạp thì LoFree DOT không lý tưởng để đem theo, riêng với anh em thường đem phím cơ theo mỗi ngày thì LoFree DOT không thành vấn đề.

Bên dưới bàn phím có 4 nút cao su lớn, rất dày và nó có chức năng tạo độ nghiêng cũng như giữ chắc phím trên mặt bàn. Thật sự khi để trên bàn thì LoFree DOT rất ổn định, nó đằm và chắc, gõ thoải mái không lo xê dịch.

LoFree DOT kết nối có dây hoặc không dây, tại cạnh phải có 2 nút gạt để chuyển giữa MacOS/iOS và Windows/Android và để bật tắt. Cổng sạc microUSB kiêm luôn cổng kết nối khi dùng với dây và quanh cổng này có cả đèn LED báo trạng thái pin.

LoFree DOT là dạng bàn phím cơ custom với layout 79 phím, nó lỡ cỡ ở khoảng 75% keyboard và TKL (87/88 phím) và bố trí layout, keycap cũng rất khác biệt. Tên gọi DOT gợi ý thiết kế keycap tròn, giống phím bấm trên những chiếc máy đánh chữ hồi xưa. Riêng những phím lớn như Shift, Backspace, Enter… có keycap được làm giống hạt đậu.

​Bề mặt keycap được làm hơi lõm xuống ở giữa để tạo cảm giác thân thiện, tách bạch giúp chúng ta gõ chính xác hơn. Keycap thì được làm bằng nhựa ABS, chỉ một lớp và cái mình không thích nhất là ký tự của nó rất mờ, chỉ khi mở đèn mới thấy được ký tự còn bình thường thì nhìn qua ký tự như tàng hình.

Phần keystem được làm dài hơn hẳn so với thân keycap, lý do là các switch cơ học được đặt thấp và sâu dưới vỉ phím thành ra keystem phải dài để có thể gắn kết cũng như giúp nâng phím lên một khoảng vài mm, giống như khoảng trống gầm. Keystem vẫn có thiết kế kiểu Cherry MX thành ra chúng ta có thể tháo keycap của LoFree DOT để gắn sang bàn phím khác nhưng không thể gắn keycap khác vào LoFree DOT do switch đặt thấp như vậy.

Layout phím khá kỳ dị, các hàng phím thò ra thụ vào ở 2 bên và điểm dị nhất là vị trí 4 nút điều hướng. Phím điều hướng trái phải thì không sao nhưng riêng phím lên xuống lại đặt so le nhau, thành ra khi mới xài mình hay bấm nhầm với nút Shift thay vì nút mũi tên lên.

Là một chiếc bàn phím được tối ưu cho MacOS nên LoFree DOT có hệ thống phím tắt đặc trưng của Mac như Command, Option, Ctrl đặt cạnh nhau theo thứ tự trên layout bàn phím của MacBook. Phím Command cũng có phần ký tự Windows nhưng đèn tích hợp chỉ chiếu sáng nửa trên keycap, thành ra nếu anh em muốn dùng chính với Windows thì đơn giản là đảo keycap lại.

Tuy nhiên, do vị trí của phím Command nằm ở sát phím Space thay vì nằm giữa Ctrl và Alt nên khi dùng với Windows, chúng ta phải làm quen với vị trí này và mình cũng thường bấm nhầm giữa Alt và Windows. LoFree DOT không cho phép chúng ta map lại phím, nếu LoFree thiết kế phím Windows nằm ở vị trí thông thường thì sẽ hay hơn rất nhiều.

Ồ ở góc này là không thấy ký tự gì luôn dù đang bật 100% độ sáng đèn phím.

​Một điểm mà mình nghĩ anh em xài LoFree DOT với MacOS sẽ rất thích đó là hàng phím chức năng nằm tại hàng phím trên cùng, nó cũng có vị trí tương tự layout của MacBook, cho phép tăng giảm độ sáng màn hình, mở Expose, các phím đa phương tiện, tăng giảm âm lượng và thậm chí là cả phím Eject để nhả đĩa trong ổ quang.

Ở mặt ngang, LoFree DOT có thiết kế các hàng phím theo kiểu staircase, hàng này thấp hơn hàng kia giống như bậc thang thay vì countoured võng ở giữa hay curved. Mình đã gõ quen trên những chiếc bàn phím cơ có thiết kế contoured và khi chuyển sang LoFree DOT thì phải mất khá nhiều thời gian để gõ quen và nhanh với profile phím này. Theo trải nghiệm của mình thì bạn cần phải ngồi đúng tư thế để có thể gõ tốt trên LoFree DOT, nếu không mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn.

Loại switch được dùng trên LoFree DOT là Gateron Blue – một dạng switch clone của Cherry MX Blue, rất giống về thiết kế cũng như lực nhấn. Phần vỏ trong suốt nên đèn LED tích hợp tỏa ra nhiều hướng hơn, khá đẹp mắt khi sử dụng ban đêm và cũng cần nói đèn LED chỉ 1 màu trắng với 3 mức sáng – như vậy là đủ đối với một chiếc bàn phím cơ thiết kế cổ điển.

Gateron Blue trên LoFree DOT thuộc series KS-9 với lực nhấn 60 g, nặng hơn đôi chút so với Cherry MX BLue, có clicky lẫn tactile và như đã nói ở phần keycap, slider có dấu cộng cũng tương thích với các loại keycap Cherry khác nhưng do switch đặt thấp thành ra chúng ta không thể thay keycap khác vào được.

Gateron Blue là loại switch thường thấy trên thị trường bàn phím cơ custom và các dòng switch của Gateron được xem là có chất lượng khá tương đương với Cherry MX. Cảm giác của mình khi gõ trên Gaterron Blue là nó nặng và mượt hơn đôi chút so với dòng switch Cherry MX Blue RGB với vỏ trong suốt đời mới nhưng so với Cherry MX Blue vỏ đen cũ thì không ngon bằng, đâu đó vẫn có cảm giác thô ráp hơn. Tiếng clicky của Gateron Blue nghe thanh hơn nhưng khấc phản hồi xúc giác cứng hơn so với Cherry MX Blue. Hành trình và điểm kích hoạt cũng như tactile của switch Gateron Blue tương tự Cherry MX Blue.

Với thiết kế keystem dài, LoFree DOT gặp một nhược điểm rất không hay là độ ổn định phím không cao khi gõ. Keystem dài khiến keycap dễ lắc qua lại khi nhấn hết hành trình, từ đó khi gõ nhanh thì mình có cảm giác sượng rất khó chịu. Đó là khi mới dùng, hiện tại mình đã dùng được vài tuần, cũng gõ quen rồi nên cảm thấy đỡ hơn. Dù vậy mình vẫn phải chê, LoFree DOT không phải là kiểu bàn phím đặt tay lên là gõ được ngay, nó cần thời gian để thuần hóa.

Bàn phím kết nối không dây, thao tác kết nối rất quen thuộc với việc nhấn giữ nút Fn và chọn một trong 3 phím 1 2 hoặc 3 nơi có in biểu tượng Bluetooth để kết nối. Với 3 nút này thì bạn có thể kết nối LoFree DOT với 3 thiết bị khác nhau. Nhấn giữ vài giây thì đèn Caps Lock sẽ chớp chớp báo tình trạng đã sẵn sàng pair. Khi chuyển sang thiết bị khác thì nhấn Fn + 1 hoặc 2 hoặc 3. Mình sử dụng LoFree DOT song song giữa một chiếc laptop Windows và MacBook, nhận thấy tốc độ kết nối lại khi chuyển máy khá nhanh.

Phiên bản đen có phím Backspace là limited, đắt hơn 500k so với phiên bản trắng bên cạnh. Mình mua vì hợp với ThinkPad.

​Cục pin 4000 mAh cho phép LoFree DOT sống khỏe trong vòng 3 tuần với độ sáng bàn phím ở mức 1 tức 40% và tối đa 1 tuần nếu để sáng 100%. Mình thường dùng LoFree DOT ở độ sáng thấp nhất bởi cũng không có nhu cầu đèn đóm gì chói lòa khi sử dụng ban đêm, chỉ cần đủ để thấy ký tự thôi thì tính đến hiện tại đã hơn 2 tuần, mình vẫn chưa cần sạc lại LoFree DOT. Tính ra thời lượng pin này không kém đối với một chiếc bàn phím cơ có đèn.

Nhìn chung LoFree DOT là một cái bàn phím cơ khá thú vị, nó đẹp mắt và hỗ trợ kết nối với nhiều thiết bị, hoạt động ổn định và thời lượng pin tốt. LoFree DOT khá thiên về Mac khi hỗ trợ đầy đủ các tính năng từ tổ hợp phím cho đến các phím chức năng, dùng với Windows thì hơi bất tiện bởi layout không thuần Windows.

Link sản phẩm LoFree EH112S trên Shopee, đây là model mới nhất 2018 của dòng sản phẩm này.

VN-Tek