Việt Nam có vị trí tốt trên bản đồ blockchain thế giới nhờ sở hữu nhiều dự án nổi trội. Tại tuần lễ Binance Blockchain diễn ra ở Dubai, đại diện Binance cho biết trong số 10 GameFi đạt doanh thu cao nhất hệ sinh thái, có 2 game NFT với đội ngũ phát triển từ Việt Nam.

Nhân sự là vấn đề lớn với công ty Việt Nam

Ngoài ra, theo nghiên cứu từ Chainalysis, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về các chỉ số chấp nhận tiền mã hóa trong năm 2021.

Tuy nhiên, trái ngược với tốc độ tăng trưởng của mảng công nghệ mới, lượng nhân lực cung ứng cho ngành chuỗi khối đang thiếu hụt. Các biện pháp về đào tạo, mở rộng chuyên gia, tăng lương và tuyển dụng lao động nước ngoài được đưa ra để giải quyết vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhân sự là vấn đề với nhiều công ty blockchain Việt Nam tham dự Blockchain Week do Binance tổ chức.

“Tôi có trao đổi với một số đại diện công ty blockchain của Việt Nam, họ chia sẻ việc gặp khó khăn do thiếu nhân sự, cạnh tranh ‘câu’ người của nhau. Tuy gọi ngành blockchain đang lớn mạnh, nhưng nguồn lực cho ngành vẫn còn thiếu nhiều”, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung.

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên tài chính cao cấp, người sáng lập Trung tâm công nghệ tài chính và mã hoá Đại học RMIT, cho rằng số lượng các nhà phát triển và lập trình viên có trình độ cao vốn đã hiếm. Nhân sự phát triển cho blockchain càng ít hơn.

“Cộng với việc bùng nổ của công nghệ chuỗi khối, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trầm trọng. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn trên thế giới”, ông Huy nhận định.

Đại diện dự án Coin98 cho biết blockchain là ngành mới, giai đoạn phổ biến chưa được 10 năm nên việc tuyển dụng không đơn giản. “Những người có kinh nghiệm, chuyên môn thực sự trong ngành khá ít, dẫn đến việc tìm kiếm nhân sự cùng lý tưởng, tầm nhìn trong lĩnh vực này gặp khó khăn”, đại diện Coin98 chia sẻ.

Ngoài ra, Coin98 cho rằng chương trình đào tạo tại Việt Nam chưa đủ đáp ứng tính chuyên môn hóa của ngành. Theo đó, nhân lực lập trình blockchain tại công ty đều là chuyển ngành và cần được đào tạo lại.

Dựa trên báo cáo về nhân lực công nghệ thông tin năm 2021 của TopDev, thị trường Việt Nam cần hơn 450.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng lượng lập trình viên của Việt Nam ở quý I/2021 là 430.000, điều này đồng nghĩa có hơn 20.000 vị trí công việc không được lấp đầy, chưa tính đến nhu cầu tăng thêm.

“Sự thật là nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của ngành. Các công ty công nghệ sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt để lấp đầy các vị trí IT”, báo cáo mới nhất của TopDev cho biết.

Nguồn tiền dồi dào, mức lương cao

Deal Street Asia dẫn lời chuyên gia từ Glint, tổ chức tuyển dụng có trụ sở tại Singapore cho biết mức lương tối thiểu của lập trình viên blockchain hiện nay cao hơn 20-30% so với các công việc IT khác với cùng một năm kinh nghiệm.

Toản Nguyễn, đồng sáng lập Recruitery, một startup tuyển dụng cho biết nhân sự liên quan đến blockchain nhận lương cao gấp 1,5 lần so với các ngành khác cùng kinh nghiệm làm việc.

Ngành blockchain có mức lương cao nhờ nguồn tiền đầu tư dồi dào. Ảnh: Getty

Theo chuyên gia từ Glint, mức chi phí trả lương cho nhân lực blockchain cao hơn bởi sự khan hiếm nhân tài và dòng tiền lớn được đổ vào ngành chuỗi khối Việt Nam.

Thời gian qua, các dự án blockchain trong nước nhận được gói đầu tư trị giá hàng triệu USD từ các quỹ quốc tế. Nhờ vậy, khoản chi phí cho quỹ lương được nâng cao.

Đầu năm nay, dự án blockchain tập trung vào mảng gaming guild Ancient8 của Việt Nam huy động được 4 triệu USD từ loạt quỹ đầu tư nổi tiếng. Trước đó, Sky Mavis, cha đẻ GameFi Axie Infinity huy động thành công 152 triệu USD ở vòng Series B, nâng giá trị công ty lên mức 3 tỷ USD.

Đại diện Coin98 cho rằng mức lương cao giúp tăng cơ hội cho việc tuyển dụng nhân sự cho mảng blockchain. Ngoài ra, việc này còn tạo áp lực lên các công ty công nghệ truyền thống, nâng mức thu nhập cho người lao động.

Giải pháp cho vấn đề nhân sự blockchain

Trao đổi về giải pháp cho vấn đề thiếu nhân lực ở mảng blockchain, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết một số công ty Việt Nam đang mở rộng sang các thị trường như UAE, Ấn Độ, Hàn Quốc và cả châu Âu để tìm kiếm đội ngũ lập trình.

“Blockchain chưa được giảng dạy trong các trường đại học công nghệ của Việt Nam, nên chúng ta cần tăng cường đào tạo qua các chương trình hợp tác quốc tế. Ngoài ra, các trung tâm đổi mới sáng tạo nên có phòng lab, chương trình đào tạo ngắn hạn, cập nhật công nghệ mới cho sinh viên”, bà Dung chia sẻ.

Đào tạo là giải pháp cho vấn đề nhân sự ngành blockchain Việt Nam. Ảnh: Getty

Ngoài ra, chuyên gia của NIC còn đưa ra sáng kiến tận dụng những doanh nhân công nghệ từ các startup đã thành công trong lĩnh vực blockchain để quay lại đào tạo nhân lực, bổ sung vào doanh nghiệp mới.

“Chính phủ cần tạo điều kiện để hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo”, bà Dung kết luận.

Theo ông Anh Huy, hiện đã có nhiều khóa đào tạo và chương trình học về lập trình và phát triển blockchain ở Việt Nam.

“Việt Nam được biết đến là nơi có nhiều lập trình viên và nhà phát triển tài năng. Tuy nhiên, chúng ta cần thời gian để các nhà phát triển và lập trình viên có thể hoàn toàn chuyển đổi sang blockchain và nâng cao kinh nghiệm để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này”, Giảng viên đại học RMIT nhận định.

Đồng thời, đại diện Coin98 cho rằng việc thông tin đúng và đủ về ngành blockchain sẽ giúp người trẻ tiếp cận cơ hội với lĩnh vực mới. “Với trình độ IT, sự nhạy bén với thời cuộc của các bạn trẻ, kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm blockchain của khu vực hay châu lục là không quá viển vông”, Coin98 nhận định.

VN-Tek

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận