Vài ngày qua, mạng xã hội xuất hiện một số clip chia sẻ việc dạy tập đọc với phương pháp mới từ sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, trong đó, các học sinh chỉ tay vào biểu tượng hình tròn, hình tam giác, hình vuông… để đọc. Sau khi xuất hiện, những clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người tỏ ra hoang mang trước phương pháp dạy học lạ lẫm này.

Trao đổi với PV vào chiều 6/9, GS Hồ Ngọc Đại (chủ biên cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục) cho biết, một số người chưa hiểu biết nên mới phê phán phương pháp dạy cũng như sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của ông.

Theo ông, phương pháp dạy của ông đã được thực hiện từ những năm 1978 tại trường Thực Nghiệm và sau đó, hàng chục địa phương đã tiến hành dạy theo sách này với khoảng 800.000 (con số chưa chính xác) học sinh theo học.

“Tôi không chấp những người không hiểu biết và không để ý, xem các ý kiến trên mạng. Tôi cũng không buồn bực hay tức giận và cho rằng, ý kiến của mọi người, phụ huynh là tự nhiên, tất yếu”, GS Đại bày tỏ.

Hình ảnh sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục.

Vị GS này nêu rõ, vài ngày trước, một giáo viên ở địa phương đã liên hệ với ông và gửi lời xin lỗi vì các ý kiến hiểu không đúng trên mạng xã hội trong thời gian qua.

“Cậu ấy có nói, đã họp với nhiều giáo viên các nơi và quy ước với nhau sử dụng sách của tôi và chất lượng dạy cho học sinh lớp 1 rất tốt nhưng giờ một số ý kiến hiểu chưa đúng như vậy nên cũng rất áy náy”, GS Đại chia sẻ.

Ông nói thêm, việc phụ huynh hoang mang ở đây là do chỉ biết về cái cũ và không biết về cái mới. Đồng thời, ông đưa ra lời khuyên, trước hết phụ huynh không nên can thiệp vào việc học của con.

“Con học ở trường cần theo cô giáo còn không nên theo cách của mình, trình độ của mình mà áp đặt cho con”, ông nói.

GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh, việc một số người gán ghép phương pháp dạy học sinh tập đọc của ông với cải tiến chữ Tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là không chính xác và những người nêu ra như vậy thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết.

“Ở đây giữa tôi và ông Bùi Hiền là hai vấn đề, tư duy hoàn toàn khác nhau nên không thể bằng sự thiếu hiểu biết của mình mà lại gán ghép vào như vậy”, GS Đại chia sẻ và cho hay, vào thứ 7 tới, ông sẽ có buổi nói chuyện tại Hà Nội với một CLB nhằm nêu rõ các vấn đề dư luận nêu ra trong phương pháp dạy của mình.

Trước đó, cô giáo Vũ Thị Luyến (một giáo viên dạy tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, phụ huynh không nên lo lắng về cách học sinh lớp 1 đọc theo ô vuông, hình tròn, tam giác.

Bởi theo cô Luyến, đây là bài dạy trẻ cách tách lời thành tiếng chứ không phải bài học vần và với phương pháp này, các học sinh đã học thuộc lời trước.

“Mục đích của các hình là để học sinh nhận biết mỗi tiếng mình phát ra tương đương với một hình và kể cả các học sinh chưa biết những chữ đó, nhưng các học sinh biết lời nói đó có bao nhiêu tiếng. Việc này không liên quan đến việc phương pháp dạy học vần theo âm hay theo chữ”, cô Luyến nói.

Cô giáo này đề nghị các bậc phụ huynh nên bỏ thêm chút thời gian tìm hiểu và thay vì chia sẻ những bài “chế” Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục hãy tìm nhưng clip dạy mẫu để hiểu hơn về chương trình này để có thể đồng hành cùng con mà không phải cảm thấy bức xúc, hoang mang.

Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ chỉ rõ, cá nhân ông không đồng tình với việc gán ghép hay gắn phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại với cải cách tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.

Ông nêu rõ, 2 người nghiên cứu và bàn vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, với GS Hồ Ngọc Đại chỉ muốn thay đổi cách dạy học đánh vần trong khi vẫn tôn trọng nguyên trạng chữ Quốc ngữ. Còn với PGS Bùi Hiền thì muốn thay đổi chữ Quốc ngữ.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận