Khác biệt hẳn với loạt xe của Mitsubishi trước đây, Xpander gây được sự chú ý lớn từ phía người tiêu dùng sau khi ra mắt tối 8/8. Xe có ưu điểm về thiết kế, 7 chỗ ngồi, nhiều công nghệ và đặc biệt là mức giá chỉ ngang với một chiếc sedan hạng B. Nhưng nhiều người tỏ ra hoài nghi, rằng động cơ 1.5L và hộp số 4 cấp liệu có đủ “vác” một chiếc xe 7 chỗ ngồi.

Động cơ nhỏ nhưng không yếu

Sáng 9/8, Mitsubishi có sắp xếp chạy thử cho giới truyền thông. Đoạn đường chạy thử dài khoảng 5-6 km, gồm đường nhựa và đường đá dăm. Do chỉ có 2 xe chạy thử, gồm bản AT và MT, nên mỗi lượt đều chạy đủ 7 người.

Mitsubishi Xpander trang bị động cơ 1.5L, 4 xy-lanh, sản sinh công suất cực đại 103 mã lực và mô-men xoắn cực đại 141Nm tại 4.000 vòng/phút. Hệ dẫn động cầu trước.

Mitsubishi Xpander không đuối dù chở đủ 7 người.

Động cơ này mang tên mã 4A91, sử dụng lần đầu tiên vào năm 2004 trên mẫu xe Mitsubishi Colt và năm 2007 trên Mitsubishi Lancer. Ngoài ra, động cơ này còn sử dụng cho nhiều mẫu xe khác không phải của Mitsubishi, ví dụ Smart Forfour và một loạt xe Trung Quốc như Haima, Zotye, Brilliance… Bây giờ, nó tiếp tục được sử dụng trên Mitsubishi Xpander.

Sử dụng động cơ nhỏ và đã hơn 10 năm tuổi, việc nhiều người lo lắng về khả năng vận hành của Mitsubishi Xpander là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế, mẫu crossover lai MPV Nhật Bản đã chứng minh điều ngược lại.

Xe không đuối khi chở 7 người và vận hành ở điều kiện đường xá thông thường. Đạp thử 80 km/h, 100 km/h, rồi 120 km/h, Xpander đều có thể đáp ứng. Dĩ nhiên, một chiếc xe 7 chỗ, dùng động cơ 1.5L và có khối lượng xe 1.240 kg, thời gian để đạt được những mốc tốc độ trên là không ngắn.

Trong quá trình tăng tốc, ngồi ở trong khoang lái có thể nghe rõ tiếng gào của máy khi vòng tua chạm ngưỡng hơn 3.500 vòng/phút. Nếu đi đều chân ga, vòng tua giữ ở mức khoảng 2.200 vòng/phút.

Vòng tua máy ở mức khoảng 2.200 vòng/phút khi giữ đều chân ga.

Vì là một chiếc xe 7 chỗ cộng với kích thước cột A không quá lớn, Xpander có tầm nhìn tốt. Kính chiếu hậu bản lớn thô kệch về kiểu dáng nhưng lại giúp người lái quan sát dễ dàng. Tay lái trợ lực điện nhẹ nhàng.

Lái Xpander khá yên tĩnh do hãng xe Nhật bố trí rất nhiều tấm cách âm và hấp thụ âm cho Xpander. Độ dày của kính trước là 4 mm, phía sau là 3.5 mm và kính chắn gió là loại kính cách âm.

Khoảng sáng gầm 205 mm là ưu điểm với tình trạng thường xuyên mưa ngập ở Hà Nội và TP.HCM, thì lại là nhược điểm vận hành. Chạy ở tốc độ trên 80 km/h thấy rõ sự bồng bềnh của xe dù chở đủ 7 người.

Hộp số tự động 4 cấp tưởng chừng đã “cổ lỗ sĩ” nhưng lại đáng nhận lời khen khi vận hành thực tế. Thú thực, trước khi lái tôi đã nghĩ rằng hộp số này sẽ rất thô ở mỗi bước chuyển, nhưng tôi đã sai. Mỗi bước số chuyển rất mịn, phải tập trung để ý mới cảm nhận rõ. Tôi không hiểu Mitsubishi đã làm gì với thuật toán của hộp số này.

Hộp số tự động 4 cấp hoạt động rất nhẹ nhàng.

Xpander không có lẫy chuyển số hay chế độ sang số thủ công như ôtô thông thường, nên tôi gọi nó là “bán thủ công”. Ở cần số, có vị trí D, L và 2. Số D thì đã quá quen thuộc, 2 tương ứng với số 2 và L tương ứng với số 1. Khi cần leo đèo dốc, chỉ cần đưa về số L hoặc số 2 tùy ý.

Số D dành cho điều kiện lái xe thông thường. Nhưng Xpander có thêm nút O/D Off (OverDrive) ở bên cạnh cần số. Nút này có công dụng khi cần vượt xe. Khi ấn, hộp số hoạt động ở cấp số 3 là tối đa. Ví dụ đang đi số 4, bạn cần thêm lực kéo để vượt xe, thì hãy ấn nút O/D Off. Khi vượt xe xong, ấn nút này lần nữa, hộp số về lại số 4 như bình thường.

Tuy nhiên, điều kiện lái thử lần này là đường ven biển vắng, bằng phẳng và chất lượng mặt đường tốt. Zing.vn sẽ có bài đánh giá chi tiết hơn về cách âm trong phố đông và khả năng leo dốc của Mitsubishi Xpander trong thời gian tới.

Nội thất đủ cho 7 người lớn

Ngoài động cơ, không gian nội thất cũng rất được người dùng quan tâm. Mitsubishi quảng cáo Xpander là mẫu xe rộng rãi nhất phân khúc với chiều dài nội thất 2.840 mm và chiều rộng 1.410 mm, dù chiều dài, chiều rộng và chiều cao tổng thể đều thấp hơn so với Toyota Innova.

Người cao 1m70 vẫn ngồi thoải mái ở hàng ghế 3 của Mitsubishi Xpander.

Hàng ghế thứ 3 rộng rãi. Một người cao 1m70 vẫn thừa một nửa gang tay từ đầu gối tới hàng ghế 2, dù người ngồi trước đã chỉnh tư thế thoải mái nhất. Khoảng cách đầu và trần xe cũng chừng 1/3 gang tay. Hãng xe Nhật bố trí cho hàng ghế này 1 cổng sạc 12V, hộc đựng cốc và các khe nhỏ để đựng giấy tờ hoặc điện thoại.

Hàng ghế 2 không có điểm gì để chê về không gian, chưa kể đến ưu điểm cửa sổ lớn, không bị hạn chế tầm nhìn. Sự thực dụng của hàng ghế này còn thể hiện ở lưng ghế trước, vì có đến 3 chỗ chứa tài liệu.

Hàng ghế 2 có tựa tay, nhưng không có chỗ để cốc nước. Nếu trên tay tôi có một cốc cà phê, thì chắc chắn tôi phải cầm nó cho đến khi uống hết. Cổng sạc 12V cho hàng ghế 2 nằm ở bệ tì tay của hàng ghế trước.

Hàng ghế 2 rộng, cửa sổ lớn nhưng không có hộc đựng cốc.

4 cửa gió điều hòa đủ giúp người ngồi 2 hàng ghế sau không nóng bức. Ngồi ở hàng ghế 3 cảm nhận rõ luồng gió khi chỉnh gió ở mức 3 và mức 4. Tuy nhiên điều này lại khiến gió phả vào đầu người ngồi ở hàng ghế 2, ngồi lâu sẽ cảm thấy lạnh. Nhìn chung, bản thân tôi thích kiểu sắp đặt cửa gió sau như Honda CR-V hơn.

Không gian chứa đồ rộng. Khi dựng cả 3 hàng ghế có thể chứa được một số túi xách nhỏ. Nếu cần có thể gập hàng ghế 2 và hàng ghế 3 xuống để tăng thêm không gian. Mitsubishi đưa bánh xe dự phòng xuống gầm xe, cho phép Xpander có thêm 3 hộc chứa đồ lớn nằm dưới tấm trải sàn.

Thiết kế đẹp, nhưng độ hoàn thiện chưa cao

Về ngoại hình của Mitsubishi Xpander, từ đầu tiên để nói là đẹp. Mitsubishi Xpander có tầm giá của xe bình dân, nhưng ngoại hình đầy thuyết phục. Thậm chí có chút gì đó tương lai khi sắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng phía trước kiểu mới.

Ngoại hình của Mitsubishi Xpander nhận được nhiều lời khen.

Nơi trước đây vốn là chỗ của đèn pha thì được thay thế bằng đèn chiếu sáng ban ngày LED. Đèn pha halogen được đặt xuống dưới cùng đèn xi-nhan. Đèn sương mù đặt ở cản trước. Lưới tản nhiệt hình chữ X do xe thiết kế theo ngôn ngữ Dynamic Shield.

Ở thân xe có một đường gân dập nổi rõ ràng. Phần cột C sơn đen nhằm tạo cảm giác tách biệt với mui xe. Mâm 16 inch, 2 tông màu. Đèn hậu phía sau cũng hào phóng khi sử dụng công nghệ LED. Ống xả giấu dưới gầm xe.

Các khe hở của Mitsubishi Xpander có thể thấy rõ bằng mắt thường.

Xpander không bình dân về thiết kế, nhưng bình dân ở chất lượng vật liệu và hoàn thiện. Các kẽ hở của các bộ phận như cửa xe, cửa khoang hành lý với phần thân xe rất lớn, có thể thấy rõ bằng mắt thường. Hơn nữa, vỏ xe mỏng cũng là một điểm đáng nói, đập tay vào có thể nghe rõ tiếng tôn.

Kết luận

Mitsubishi Xpander đang bán rất chạy ở thị trường Indonesia và Philippines. Một vị đại diện của Mitsubishi chia sẻ rằng hãng phải cố gắng lắm mới có một lượng xe nhất định để bán tại Việt Nam. Từ đó có thể dự đoán rằng Xpander rất dễ rơi vào tình trạng cháy hàng khi bán ra chính thức.

Giá bán của Xpander là 550 triệu đồng đối với bản MT và 650 triệu đồng đối với bản AT. Nhưng thực tế sẽ giảm thêm khoảng 20 triệu đồng khi bán chính thức. Mức giá tốt cho một mẫu xe 7 chỗ tại Việt Nam thời điểm hiện tại.

Về câu chuyện có nên mua Mitsubishi Xpander hay không? Tôi sẽ nói có với những người đã có gia đình, thường xuyên chở nhiều người và có nhu cầu đi dài ngày, về quê. Còn đối với người trẻ chưa có gia đình, dưới 30 tuổi, có lẽ sẽ hợp hơn với một chiếc sedan, hatchback, xe bán tải hoặc crossover cỡ nhỏ.

Còn đối với nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ, Xpander MT là lựa chọn không tồi, do giá bán thấp nhất của Toyota Innova đã lên tới 743 triệu đồng.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận