Lũ trẻ nhà tôi mở Youtube ra xem như mọi ngày, vợ chồng tôi đang ăn cơm nên chỉ lơ đãng nhìn về phía màn hình TV. Trên màn hình xuất hiện nhân vật chú lợn Peppa đang đi picnic với gia đình, như bao tập phim hoạt hình trẻ nhỏ khác. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đoạn mở đầu nhẹ nhàng đó, trên màn hình lên một gương mặt bị bóp méo với đôi mắt gần như rơi ra ngoài, đi kèm đó là một giọng nói robot nghe muốn sởn da gà.

“Cắt chân của cậu đi và cậu sẽ không bao giờ gặp tớ”, giọng nói kinh dị vang lên. “Cắt cổ tay và bố mẹ bạn sẽ không bao giờ thấy tớ”.

Tôi tá hỏa nhìn lại lịch sử Youtube thì thấy hóa ra còn nhiều video với những nội dung như vậy hơn. Những video này cùng với nhiều bài viết cảnh báo trên Facebook đang khiến các bậc phụ huynh hoảng sợ khi gần đây, câu chuyện về thử thách Momo một lần nữa gây rúng động nhiều nước trên thế giới với các trường hợp được cho là tử vong khi thực hiện theo – nó thậm chí leo lên top tìm kiếm tại nhiều quốc gia như Anh, Ireland.

Vậy thực sự Momo Challenge là gì?

Momo Challenge – thử thách gây nhiều tranh cãi trên Internet

Theo nhiều lời đồn đoán, Momo Challenge sẽ hướng dẫn trẻ nhỏ cách để tự làm tổn thương mình, thậm chí là tự tử. Được biết, Momo Challenge bắt đầu được nhắc tới nhiều từ mùa hè năm 2018 khi một bé gái 12 tuổi tại Argentina tự kết liễu đời mình. Các nhà điều tra nghĩ rằng thử thách này là nguyên nhân cho cái chết của cô bé – nhiều trang tin lớn như Fox News cũng khẳng định và hướng theo câu chuyện ấy. Tuy nhiên đến gần đây, Momo Challenge quay trở lại trên các trang mạng xã hội và báo chí với các bài báo khẳng định rằng nhiều trẻ nhỏ đã tự gây tổn hại cho bản thân mình và tự tử.

Đây không phải lần đầu tiên trẻ nhỏ là đối tượng của các thử thách gây nhiều tranh cãi như vậy khi trước đó “Cá voi xanh” đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều bậc phụ huynh trên toàn thế giới với số lượng ca tử vong không nhỏ.

Tuy nhiên, câu chuyện của Momo Challenge lần này hoàn toàn khác. Trường hợp cô bé gái 12 tuổi tử vong không được khẳng định chính xác nguyên nhân; số lượng các vụ trẻ em gây tổn thương chưa có số liệu cụ thể hay các nhà điều tra vào cuộc thực sự. Người ta không thể xác định rõ những video được truyền tai nhau là “xúi trẻ em tự tử” có thực sự tồn tại. Trước những lời cáo buộc từ báo chí, Youtube đã lên tiếng.

“Chúng tôi không nhận được những bằng chứng nào gần đây về các nội dung khuyến khích người xem thực hiện theo Momo Challenge trên Youtube. Những loại nội dung như này sẽ bị liệt vào dạng vi phạm và bị loại khỏi nền tảng Youtube ngay lập tức”.

Không có một nội dung Momo nào được tìm thấy trên ứng dụng Youtube Kids. Youtube cũng cho biết các nội dung liên quan tới Momo trên Youtube hiện tại đều là các câu chuyện giải thích Momo là gì hay các tin ăn theo.

Chưa ai chứng minh được Momo là thật hay có bao nhiêu đứa trẻ thực sự bị tổn thương vì Momo. Vậy điều gì mới thực sự đáng sợ trong câu chuyện Momo Challenge và ảnh hưởng tiêu cực lên toàn xã hội?

Nỗi sợ hãi gieo rắc toàn thế giới

Momo không đáng sợ bằng những câu chuyện thêu dệt xung quanh nó và cách mọi người chia sẻ chúng tràn lan trên mạng xã hội.

Mạng xã hội chính là nguyên nhân thổi bùng lên câu chuyện Momo khi chưa ai nắm rõ được có bao nhiêu video Momo thực sự tồn tại. Trên Facebook, người ta lao vào vòng xoáy Momo với hàng nghìn người chia sẻ các video, hình ảnh, bài viết về Momo – kể cả những người chưa từng xem những video như này (và tôi đoán là đa số) cũng trở nên sợ hãi, rúm người khi nhìn thấy hình ảnh một tác phẩm nghệ thuật , sáng tác bởi nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo vào năm 2016, được thêm nếm câu chuyện và các tình tiết kỳ dị.

Không phải Youtube mà cả mạng xã hội và những bậc phụ huynh lo lắng – dù chưa rõ họ đã xem được các video thực hư hay chưa, mới khiến Momo Challenge trở nên đáng sợ. Người ta chia sẻ và thêm nếm, mỗi câu chuyện lại được cho thêm vài yếu tố kích thích, xâu chuỗi các sự kiện một cách câu kéo. Nỗi sợ hãi bùng lên khiến chính phủ nhiều nước phải thông báo cấm chia sẻ các nội dung liên quan. Cảnh báo không chỉ được đặt lên thử thách Momo Challenge mà còn bị áp đặt với truyền thông và mạng xã hội.

Chỉ trong có vài ngày, tôi lục tung khắp mạng xã hội với từ khóa Momo để xem có thể tìm được một video nào hướng dẫn những đứa trẻ thực hiện hành vi gây tổn thương cho mình không nhưng vô ích; trái lại tôi chỉ có thể tìm thấy hàng nghìn bài đăng tải chia sẻ của các vị phụ huynh và những người trẻ với nhiều ngôn ngữ, từ khắp nơi trên hành tinh. Những cảnh báo về Momo, theo tờ The Guardian đánh giá, là khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bản thân thử thách bí ẩn này.

Khi Youtube mang nỗi sợ của phụ huynh

Dù không ai có thể chứng minh được Momo Challenge vào thời điểm hiện tại nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó là không thể phủ nhận và vấn đề Youtube lại một lần nữa nóng hơn bao giờ hết. Momo Challenge chỉ là một trong rất nhiều nội dung không lành mạnh nhắm tới trẻ em trên Youtube. Cùng với sự bành trướng của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter; nó đã tạo thành một “vùng nguy hiểm” cho trẻ nhỏ và các bậc phụ huynh.

Các nội dung không lành mạnh xuất hiện tràn lan trên Youtube; kể cả với ứng dụng Youtube Kids được cho là sẽ giúp trẻ nhỏ xem các nội dung an toàn, những bộ phim hoạt hình chế, tái hiện các nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích như Elsa, Anna, Người dơi, siêu nhân nhưng lại lồng ghép các cảnh quay bạo lực, tình dục vẫn lọt qua được. Đáng sợ trong số đó phải kể tới bộ phim hoạt hình lợn Peppa với các cảnh bạo lực đẫm máu không phù hợp với trẻ em từng khiến cư dân mạng phẫn nộ.

Đáng sợ hơn, hậu quả để lại không phải những thứ có thể đo lường được mà ăn sâu trong tâm trí trẻ nhỏ. Chúng ta không thể biết được đứa trẻ khi tiếp xúc với các cảnh bạo lực, tình dục hay những lời lẽ dung tục sẽ có suy nghĩ, thay đổi gì trong đầu. Nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội nói rằng, những ảnh hưởng tiêu cực như vậy có thể sẽ theo trẻ em trong suốt nhiều năm và ảnh hưởng tâm lý trong giai đoạn phát triển.

Giống như các câu chuyện khác trên mạng xã hội, dù có được phanh phui hay không, trẻ em chính là người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Momo Challenge không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mặt tối tràn lan của mạng xã hội mà còn khiến nhiều người ngẫm lại: Liệu có phải chính chúng ta, những người dùng mạng xã hội tưởng chừng như “thông thái” với mong muốn có thể ngăn chặn câu chuyện diễn ra, đang tiếp tay để nỗi sợ được lan rộng ra hơn không?

Với tôi, câu trả lời là có. Momo Challenge quả thật đáng sợ khi đã “tận dụng” được tính tiêu cực của mạng xã hội. Đó mới chính là sự nguy hiểm thực sự.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận