Ngày 27/7, kênh thông tin của Bộ Y tế đăng kèm hình ảnh bài viết của trang Facebook Xuan Thuy và khẳng định đây là tin giả. Theo đó, tài khoản Xuan Thuy chia sẻ thông tin có nội dung phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với nội dung kêu gọi người dân “suy nghĩ thấu đáo trước khi mua vé máy bay du lịch giá rẻ”.

Tin giả kèm hình ảnh Phó Thủ tướng đang được chia sẻ tràn lan trên Facebook.

“Chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 ca lên mức 100-500 ca. Và có khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca. Rất cần truyền thông để bà con ở nhà. Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại. Rất ngắn ở mức này”, nội dung tin giả viết.

“Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không phát ngôn như vậy”, Bộ Y tế khẳng định.

Cũng theo Bộ Y tế, để xác định tính chính xác trong các phát ngôn của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, người dân chỉ cần truy cập vào Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ hoặc Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tin giả trên đã lan truyền từ tháng 3. Phát ngôn về dự đoán số ca nhiễm tại Việt Nam tăng lên 1.000 ca trong 8 ngày từng được gán ghép cho một số người khác trong đó có PGS.TS Trần Xuân Bách.

“Giáo sư Bách, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca. Và khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này”, nội dung tin giả lan truyền trên Facebook hồi tháng 3 viết.

Theo TTXVN, Ông Nguyễn Đình Anh, vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, cho biết qua kiểm tra, đây hoàn toàn là tin giả, vì trong thành phần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch không có người tên là Bách.

Hiện, các bài đăng liên quan đến phát ngôn giả, gán ghép hình ảnh các chính khách đang lan truyền trên Facebook một cách mất kiểm soát. Với các hashtag liên quan tình hình dịch bệnh, người dùng Facebook có thể thấy hàng chục nghìn bài viết có nội dung giả mạo kèm hình ảnh Phó Thủ tướng.

Nhiều tài khoản chia sẻ thông tin giả mạo trên đính kèm nội dung bán hàng bên dưới để tăng tương tác. Đêm 27/7, tài khoản Facebook của siêu mẫu Hoàng Thùy cũng lan truyền thông tin trên. Hiện bài viết đã bị gỡ bỏ.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận