Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tháng 10, Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm Facebook chỉ trích động thái hời hợt của công ty trước những nội dung không an toàn cho trẻ vị thành niên. Bà nhấn mạnh nguyên nhân đến từ thiết kế nền tảng và thuật toán xếp hạng, kiểm duyệt nội dung của Facebook.

Facebook
Thuật toán nguy hiểm của Facebook hoạt động ra sao?

Theo MIT Technology Review, đây là bước ngoặt đáng chú ý so với quan điểm hiện nay của các nhà lập pháp về chính sách kiểm duyệt của Facebook. Nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm hiện tại của giới chức Mỹ đã bỏ qua bức tranh lớn hơn mà Haugen đề cập.

“Tôi ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp (kiểm duyệt) không dựa trên nội dung, vì chúng sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương trên thế giới”, Haugen chỉ ra sự không đồng nhất của Facebook trong khả năng kiểm duyệt nội dung bằng tiếng Anh và ngôn ngữ khác.

Không chỉ Haugen, nhiều nhân vật liên quan cũng có ý kiến tương tự về hiệu quả thực sự của thuật toán nội dung mà Facebook đầu tư phát triển.

Thuật toán của Facebook hoạt động thế nào?

Chúng ta thường nói “thuật toán của Facebook” như thể chỉ có một đoạn mã tồn tại. Trên thực tế, quyết định nhắm mục tiêu quảng cáo, hiển thị nội dung trên Facebook dựa trên hàng trăm, hoặc hàng nghìn thuật toán. Một số thuật toán phân tích thói quen người dùng để nâng vị trí bài đăng dựa trên sở thích, số khác phát hiện các loại nội dung bẩn như ảnh khỏa thân, spam, tiêu đề giật gân để xóa, hạ vị trí của chúng trên News Feed.

Frances Haugen
Frances Haugen, cựu Giám đốc Sản phẩm Facebook tố cáo công ty cũ trước Thượng viện Mỹ đầu tháng 10. Ảnh: The New Yorker

Với lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng Facebook, thuật toán có thể tự phát triển để thu hẹp phạm vi đối tượng. Không chỉ có “nam” hay “nữ”, thuật toán có thể biết người dùng là “nữ từ 25-34 tuổi, thích những fanpage liên quan đến yoga” để nhắm quảng cáo cho họ. Mục tiêu được nhắm càng cụ thể, cơ hội nhấp vào quảng cáo càng cao, mang đến nhiều lợi nhuận hơn cho nhà quảng cáo so với chi phí bỏ ra.

Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho vị trí nội dung trên News Feed. Thuật toán có thể được huấn luyện để dự đoán ai sẽ thích hoặc chia sẻ bài đăng với nội dung nhất định, từ đó đẩy những bài tương tự lên vị trí cao. Ví dụ, nếu thuật toán xác định một người dùng yêu chó, những bài viết có ảnh chó sẽ xuất hiện cao hơn trên News Feed.

Trước khi Facebook áp dụng thuật toán máy học, các nhân viên đã sử dụng nhiều cách để tăng mức độ tương tác. Họ thử nghiệm các chi tiết như màu sắc nút bấm, tần suất nhận thông báo để thu hút người dùng quay lại nền tảng. Tuy nhiên, thuật toán máy học mạnh mẽ hơn khi có thể phát triển dựa trên thói quen liên tục thay đổi của người dùng, thay vì chỉ cá nhân hóa nội dung dựa trên những gì họ nhìn thấy.

Ai quản lý thuật toán của Facebook?

Không có đội ngũ cụ thể phụ trách toàn bộ thuật toán của Facebook. Các kỹ sư phát triển và bổ sung mô hình máy học của riêng họ vào hệ thống chung. Ví dụ, đội ngũ tập trung vào nội dung bẩn chỉ huấn luyện mô hình của họ để nhận diện các loại nội dung không phù hợp.

Hướng đi này là một phần trong văn hóa “di chuyển nhanh, phá vỡ mọi thứ” của Facebook. Công ty đã phát triển công cụ nội bộ có tên FBLearner Flow, giúp các kỹ sư không có kinh nghiệm về máy học dễ dàng phát triển mô hình thuật toán dựa trên yêu cầu của họ. Một tài liệu nội bộ cho thấy công cụ được hơn 1/4 nhóm kỹ sư của Facebook sử dụng vào năm 2016.

Thuật toán của Facebook bị tố gây tác động tiêu cực đến người dùng trẻ, bỏ qua bài viết kích động bạo lực trên nền tảng. Ảnh: New York Post

Trong các tài liệu của Facebook bị rò rỉ cho giới truyền thông, nhiều nhân viên (đang làm việc hoặc đã nghỉ) của Facebook cho biết đó là một phần khiến nền tảng này không thể xử lý triệt để nội dung bẩn. Các nhóm kỹ sư đặt ra mục tiêu khác nhau khiến hệ thống thuật toán trở nên phức tạp, khó sử dụng đến mức không ai có thể quản lý mọi thành phần bên trong.

Krishna Gade, cựu Giám đốc Kỹ thuật Facebook cho biết công ty kiểm soát chất lượng thuật toán chủ yếu dựa trên thử nghiệm và đo lường kết quả. Một mô hình sẽ bị loại bỏ nếu chúng làm giảm mức độ tương tác quá nhiều. Trên Twitter, Gade giải thích các kỹ sư sẽ nhận thông báo vài ngày một lần nếu các chỉ số bình luận, lượt thích sụt giảm. Sau đó, họ cần tìm ra nguyên nhân và huấn luyện lại thuật toán.

Thuật toán của Facebook lan truyền tin giả ra sao?

Trong phiên điều trần, Haugen liên tục nhắc đến thuật toán của Facebook kích động lan truyền tin giả, ngôn từ thù địch và bạo lực.

“Facebook… biết – từng thừa nhận trước công chúng – rằng thuật toán xếp hạng nội dung dựa trên mức độ tương tác gây nguy hiểm nếu không có hệ thống bảo mật, tuy nhiên lại không triển khai hệ thống ấy cho hầu hết ngôn ngữ trên thế giới… Nó khiến các gia đình chia ly. Tại những nơi như Ethiopia, thuật toán đang kích động bạo lực sắc tộc theo đúng nghĩa đen”, Haugen nói.

Vào năm 2018, Facebook từng công khai thừa nhận chưa hành động đủ, khiến nền tảng bị lợi dụng để gây chia rẽ, kích động bạo lực ngoài đời. Một bản thuyết trình nội bộ cho thấy công ty đã nhắc đến điều này ít nhất từ năm 2016. Monica Lee, nhà khoa học dữ liệu của Facebook, thời điểm ấy đã phát hiện nền tảng không chỉ chứa lượng lớn hội nhóm mang tư tưởng cực đoan mà còn gợi ý chúng cho người dùng.

“64% thành viên tham gia các nhóm cực đoan đến từ công cụ đề xuất của chúng ta, chủ yếu đến từ tính năng ‘Nhóm bạn nên tham gia’ và ‘Khám phá’ trên Facebook”, Lee cho biết.

Năm 2017, Chris Cox, Giám đốc Sản phẩm Facebook đã lập đội ngũ phân tích việc tối đa hóa tương tác trên Facebook có góp phần gây phân cực chính trị hay không. Kết quả cho thấy sự liên quan, trong khi giảm bớt nội dung phân cực cũng tác động đến tương tác. Hầu hết giải pháp được đội ngũ đưa ra bị cho là “anti growth” (chống lại sự tăng trưởng) khiến chúng không được duyệt, cuối cùng đội ngũ này cũng giải tán.

Trong lời khai trước thượng viện Mỹ, Haugen nhiều lần nhấn mạnh tình trạng phân cực trên Facebook tệ hơn tại các khu vực không nói tiếng Anh.

Tin giả
Tin giả là một trong những vấn đề nghiêm trọng với thuật toán của Facebook. Ảnh: New York Times

“Tại Ethiopia với 100 triệu dân và 6 ngôn ngữ, Facebook chỉ hỗ trợ 2 trong số chúng cho hệ thống thuật toán đầy đủ… Chiến lược tập trung vào từng ngôn ngữ, nội dung cụ thể cho AI để cứu chúng ta chắc chắn thất bại. Do đó, đầu tư vào các giải pháp không dựa trên nội dung không chỉ bảo vệ tự do ngôn luận, mà còn bảo vệ cuộc sống mọi người”, Haugen cho biết.

Từ tháng 10, WSJ đã đăng tải loạt bài thuộc chuyên mục The Facebook Files, bao gồm tài liệu nội bộ cho thấy Instagram ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở người dùng nữ trẻ tuổi. “32% cô gái tuổi teen nói rằng họ cảm thấy tồi tệ về cơ thể của mình, Instagram khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn”, một slide thuyết trình tháng 3/2020 cho biết.

Haugen cũng liên kết tình trạng này với hệ thống xếp hạng nội dung dựa trên mức độ tương tác. “Nếu Instagram là động lực tích cực, chúng ta có thấy sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên được cải thiện rõ trong 10 năm qua chưa? Không, chúng ta thấy tỷ lệ tự tử và trầm cảm ở thanh thiếu niên leo thang”, Haugen cho biết.

Cần có giải pháp ngay bây giờ

Theo MIT Technology Review, đội ngũ nghiên cứu của Facebook nhận thấy người dùng có xu hướng đăng hoặc tương tác với nội dung buồn bã, dấu hiệu có thể của bệnh trầm cảm, dễ dàng chuyển sang tiêu thụ nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên trong lúc tố cáo, Haugen khẳng định các lãnh đạo Facebook không quan tâm đến thay đổi thuật toán.

Các kỹ sư của Facebook đã đề xuất điều chỉnh mô hình xếp hạng, ít hiển thị nội dung tiêu cực trên News Feed hơn. Tuy nhiên, không có động thái thực tế cho sự thay đổi này. Khi mức độ tương tác làm thước đo đánh giá hiệu quả dự án, nhân viên phải làm quen với việc bỏ qua phản hồi, tiếp tục làm việc với các nhiệm vụ được chỉ định từ cấp trên.

Haugen không ủng hộ việc chia tách Facebook hoặc bãi bỏ Điều 230 trong Chuẩn mực Truyền thông ban hành năm 1996 tại Mỹ, bộ luật được xem như lá chắn bảo vệ các hãng công nghệ lớn. Thay vào đó, bà kêu gọi điều chỉnh mục miễn trừ trách nhiệm trong Điều 230, tập trung vào thuật toán xếp hạng. Haugen cũng ủng hộ Facebook trở lại cách xếp hạng bài viết trên News Feed theo trình tự thời gian.

Thay vì sử dụng người thật, Facebook đã chuyển phần lớn nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung sang thuật toán trong những năm gần đây. Ảnh minh họa: Getty

Ellery Roberts Biddle, Giám đốc Dự án tại Ranking Digital Rights, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu hệ thống xếp hạng bài viết trên mạng xã hội, nhận định việc chỉnh sửa Điều 230 cần được xem xét cẩn thận. “Tôi không nghĩ nó sẽ hoàn toàn đạt mục đích như chúng ta kỳ vọng”, Biddle cho biết.

Để kế hoạch chỉnh sửa Điều 230 hiệu quả, Biddle nói rằng các nhà hoạch định chính sách và công chúng cần yêu cầu độ minh bạch cao hơn về cách hoạt động hệ thống nhắm mục tiêu quảng cáo, xếp hạng nội dung của Facebook. “Tôi hiểu ý của Haugen, nhưng nó rất khó khăn. Chúng tôi chưa thể có câu trả lời về tính minh bạch xung quanh các thuật toán”, Biddle cho biết.

Tuy nhiên, lời tố cáo của Haugen đã thu hút sự quan tâm lớn đến vấn đề được nhiều chuyên gia, nhân viên tại Facebook đã đề cập từ lâu. Ngoài ra, sự can thiệp của Haugen cũng mở ra viễn cảnh nếu Facebook không thể đưa thuật toán vào khuôn khổ, các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết vấn đề.

“Quốc hội Mỹ có thể thay đổi các quy tắc của Facebook để ngăn chặn tác hại đang gây ra… Tôi chấp nhận gặp rủi ro cá nhân để tiếp tục vì tin rằng chúng ta vẫn còn thời gian hành động, nhưng cần làm điều đó ngay bây giờ”, Haugen cho biết.

VN-Tek

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận