Một số nhà báo đã sử dụng Facebook công khai bày tỏ ý kiến riêng tư của mình. Tuy nhiên, việc không kiểm soát các phát ngôn từ người hành nghề báo chí, đã gây ra những hậu quả khó lường.

Không kiểm soát phát ngôn – hậu quả khó lường

Một status có nội dung như thế nào sẽ thu hút nhiều người đọc? Trước hết, phải đề cập đến vấn đề đang rất nóng, dư luận hết sức quan tâm. Nếu có thái độ phê phán và nêu đích danh tên cá nhân/ tổ chức, thì lượng chia sẻ sẽ rất lớn, số lượng người đọc sẽ tăng lên nhanh chóng.

Như nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ: “Thường thì người ta thích chia sẻ những điều tiêu cực, những chuyện hóng hớt, những điều li kì mà đôi khi không kiểm chứng, không quan tâm đến mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nó đến người khác”.

Với một bài viết trên báo, đòi hỏi phóng viên phải trực tiếp tác nghiệp, tìm hiểu kĩ lưỡng, thu thập thông tin từ nhiều nơi, phân tích các nguồn tin, đưa ra quan điểm cần chứng cứ lập luận, cẩn trọng mỗi chữ khi viết ra, chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, thì với status, phóng viên chỉ việc viết vài dòng, bày tỏ quan điểm cá nhân chung chung, là đủ để có số lượng lớn người đọc và bàn luận. Viết status dễ dàng hơn rất nhiều để viết một bài báo.

Vì vậy, nhiều phóng viên tự làm “hỏng” nghề nghiệp của mình, khi thay vì đưa nguồn tin xác thực có kiểm chứng, đủ trình độ để phân tích vấn đề mang tính xây dựng, lại đưa ra thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt thông qua tài khoản cá nhân và nguy hại hơn là trong “nhóm” liên quan đến báo chí (có thể là nhóm mở hoặc nhóm kín) theo cách chộp giật, có thái độ mạt sát, “đánh đấm” cá nhân, tổ chức mà không hề có chứng cứ cụ thể.

Mặt khác, không ít phóng viên bị tha hóa, lợi dụng lòng tin từ nhiều người theo dõi, đã sử dụng mạng xã hội truyền tải các thông tin không chỉ PR khéo léo cho doanh nghiệp, cá nhân, mà còn gieo tin đồn gây nguy hại đến danh dự cá nhân hay tổ chức mà họ đã được “chỉ đánh”.

Những hình ảnh không đẹp khi mở đọc bảng tin trên Facebook, là một số phóng viên nói những lời miệt thị, thậm chí dùng từ bậy, tục gây sự phản cảm lớn từ người dân, dẫn tới việc phải tháo status, đóng Facebook và buộc công khai xin lỗi.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng phóng viên hay những người tự nhận mình là nhà báo (mà không còn công tác cụ thể ở tòa soạn nào), viết status cạnh khóe, chê bai, mạt sát công khai một số lãnh đạo cao cấp khi họ có những phát ngôn trên truyền thông về vấn đề đang phụ trách và các status đó được sao chụp lại, chia sẻ không giới hạn, theo sau là nhiều lời bình luận cũng rất tục tằn, thô lỗ, phản cảm từ các đối tượng khác nhau.

Mặc dầu mỗi tòa soạn đều có quy định nghiêm ngặt về việc phát ngôn trên mạng, nhưng dường như những phát ngôn tiêu cực, một chiều của người làm báo trên Facebook cá nhân ít bị xử lý. Việc nhiễu loạn thông tin và các tiêu cực cũng từ đây lan mạnh.

Vào thời gian này, khi kỳ họp quốc hội đang diễn ra, những vấn đề nóng về chính trị, kinh tế, xã hội được mổ xẻ, bàn luận; cần tập trung giải quyết các tiêu cực tồn đọng và phương hướng xác định nhằm tạo bước ngoặt cho việc phát triển mọi mặt đất nước, thì cũng là lúc cần những bài viết đưa thông tin xác thực, tham khảo ý kiến từ chuyên gia, mở rộng hiểu biết cho người dân từ người làm báo có tâm.

Nhà báo giỏi thường âm thầm, lặng lẽ làm việc, đưa ra những thông tin chính xác và làm sao để luôn được minh bạch thông tin đến với bạn đọc qua tờ báo mà họ đang công tác. Với họ, mỗi bài báo là một tác phẩm báo chí.

Để có một phóng sự điều tra, nhiều nhà báo đã phải mất nhiều tháng, thậm chí đến cả năm theo đuổi đề tài, vượt qua những đe dọa, khó khăn mọi phía.

Nhiều nhà báo đạt giải thưởng báo chí cấp quốc gia, mạnh mẽ nhất là các loạt bài điều tra chống tham nhũng, lật lại những tiêu cực tồn tại từ chính trị, kinh tế, đến xã hội, đưa ra các giải pháp hiệu quả trong việc chỉnh đốn, xây dựng… lại không phải là những người “nổi tiếng”, và có nhiều người theo dõi qua Facebook.

Đạo làm nghề

Nhà báo Chu Thu Hằng – Tổng biên tập báo Văn hóa”: Làm báo cần tôn trọng sự thật

1. “Làm báo giai đoạn trước khi tôi mới vào nghề và thời nay có nhiều điều rất khác.

Thời đó làm báo không có internet, không có báo điện tử, không có thông cáo báo chí viết sẵn nhưng các phóng viên lại rất máu lửa và tự trọng.

Cùng một sự việc nhưng mười phóng viên đến dự sẽ viết mười bài khác nhau, ai cũng ý thức phải viết khác người kia, hay hơn người kia và không bao giờ chịu ảnh hưởng chính kiến của đồng nghiệp. Vì thế, ngày đó mỗi bài báo thực sự là một tác phẩm báo chí.

Khi viết bài, tôi luôn coi đó là ngồi trước bài thi và cố gắng viết sao cho đạt được điểm tốt nhất có thể”.

2. “Trong sự nghiệp báo chí của tôi, có nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít những tiêu cực còn tồn tại?

Cuộc sống muôn màu, có những vấn đề thuộc về bề nổi và cũng có những hiện tượng là tảng băng chìm dưới đáy.

Lĩnh vực văn hóa-văn nghệ cũng có nhiều vấn đề tiêu cực, gây bức xúc dư luận nhưng không phải ai cũng nhìn thấy, hoặc nhìn thấy thì không dám nói, hoặc nói ở mức độ nào đó.

Tôi từng bị một đạo diễn dọa kiện ra tòa đòi 100 triệu tiền bồi thường vì loạt bài của tôi đã khiến dự án suýt được thành phố ký duyệt bị đổ bể.

Nhưng sau đó thì ai cũng thấy, dự án đó đổ bể là xứng đáng.

Với câu hỏi: Ngày nay, theo đuổi nghề báo gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phải chăng vì thế cũng nảy sinh ra nhiều tiêu cực khi nhiều phóng viên bị tha hóa dần về đạo đức?

Theo tôi, làm báo bây giờ khó khăn hơn trước do phải cạnh tranh thông tin nhưng cũng thuận lợi hơn vì có sẵn phương tiện tra cứu, trích nguồn, thậm chí có đội ngũ truyền thông làm sẵn tin, bài gửi cho và đăng tải cũng dễ hơn trước.

Nhưng cả khó khăn và thuận lợi đều có thể là những yếu điểm làm mất năng lực kiểm soát, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức của người làm báo. Áp lực thông tin khiến các phóng viên buộc phải tìm kiếm các đề tài giật gân, câu khách, thậm chí phải “đánh để họ biết mình là ai; báo mình là báo gì để thu hút quảng cáo”.

Còn sự dễ dãi về thông tin lại khiến phóng viên trở nên lười nhác và trở thành công cụ PR cho các công ty truyền thông với giá rẻ. Nói … giá rẻ là bởi nếu để đăng một bài PR ở dạng quảng cáo doanh nghiệp phải bỏ cả chục triệu đồng, nhưng thông qua phóng viên ở dạng viết bài (thực chất là thông cáo báo chí có sẵn) thì chỉ phong bì 500 ngàn đã có thể “lọt” kiểm duyệt.

Về vấn đề nhiều nhà báo bắt tay dung túng cái xấu, nhận tiền để bưng bít thông tin hay “đánh” cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đang ngày một phổ biến? Tôi không dám nói là phổ biến nhưng hiện tượng này có, thậm chí nhiều và cần được chấn chỉnh”.

3. “Là một nhà quản lý, để tờ báo ngày càng phát triển theo hướng tích cực?

Tôi mới bị lãnh đạo ngành phê bình là “trông mặt thì hiền mà báo thì “đầu gấu”. Quan điểm làm báo của tôi từ khi bước chân vào nghề cho đến giờ và sau này cũng thế vẫn là “tôn trọng sự thật”.

Văn hóa là lĩnh vực càng tìm hiểu càng thấy rộng, càng thấy bí ẩn muốn khám phá, vấn đề là có khiến người đọc cũng đồng cảm và đồng hành với khám phá của mình hay không? Đây là mục tiêu mà chúng tôi luôn hướng đến.

Tôi luôn quán triệt điều này với phóng viên.

Tất nhiên, đây cũng là việc rất khó. Đừng nghĩ viết văn hóa thì nhàn, là “cái đuôi” ở các báo, nếu nghĩ thế và coi việc dùng thông cáo báo chí, xào xáo bài của đồng nghiệp thành của mình là chuyện đương nhiên như cách của một số nhà báo trẻ hiện nay thì chẳng bao giờ các bạn ấy có thể thành nhà báo đích thực, không bao giờ tạo dựng được một cái tên trong làng báo cho dù có cả ngàn bài báo đã được đăng”.

4. “Làm thế nào để cân bằng được với hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp báo chí, lại vẫn chu toàn trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình?

Với tôi là rất khó. May là tôi có sự chia sẻ, thông cảm của những người trong gia đình. Từ nhiều năm nay mọi người coi chuyện tôi về nhà lúc nửa đêm là đương nhiên.

Tuy nhiên, tôi vẫn là người lo mọi thứ trong gia đình, nhỏ là cái tăm và lớn… thì là mọi chuyện. Đồ ăn trong nhà do tôi mua.

Tôi chọn lựa thực phẩm qua các hệ thống hàng uy tín về an toàn thực phẩm và cho ship đến nhà. Hàng tuần, tôi luôn dành ngày thứ bảy để tự tay nấu các món ăn đổi bữa cho cả nhà.

Gia đình tôi đã quen việc, tối thứ sáu các con tôi hỏi: “Mai ăn gì hả mẹ?”.

Còn những dịp nghỉ lễ thì thay bằng việc tung tăng ở các điểm du lịch, dạo phố, tôi sẽ lau dọn nhà cửa, nấu ăn, kiểm tra các tủ quần áo của mọi người để đi mua bổ sung. Lúc đó trông tôi vừa giống lao công, vừa giống cửu vạn” (cười).

Nhà báo Vũ Viết Đoàn – báo Nhân dân: Phải rõ ràng, minh bạch thông tin

Nhà báo Vũ Viết Đoàn – báo Nhân dân: Phải rõ ràng, minh bạch thông tin

PV: Vì sao anh lựa chọn viết về mảng khó khăn và gai góc là điều tra?

– Đối với thể loại điều tra, tôi dám chắc rằng ai làm báo cũng muốn viết về thể loại này. Ngay khi còn học trong trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi đã may mắn gặp và đi theo một số được coi là “bậc thầy” cho những thể loại này.

Ban đầu, tôi khá tò mò, thấy vậy, các “bậc thầy” ấy đã chỉ cho tôi khá cặn kẽ. Dần nó cũng trở thành một thói quen khi thực hiện các đề tài báo chí.

Tôi nhớ khi đó muốn được chỉ bảo cặn kẽ hơn, tôi đem những đề tài ra chọc tức mấy “bậc thầy” và như vậy họ mới bật ra ý hay, chỉ cho tôi đi thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều người cũng hỏi và trong nhiều cuộc nói chuyện thì tôi luôn coi mảng đề tài này đơn giản là vấn đề chuyên sâu. Bởi nhìn nhận vào thực tế thì với bất kỳ tác phẩm báo chí nào thì phóng viên cũng phải điều tra, tìm hiểu thông tin rồi mới viết thành bài được.

Trước khi tiến hành một đề tài điều tra, anh thường chuẩn bị những gì và làm gì để thu thập được tài liệu/ chứng cứ/ số liệu tốt nhất?

– Theo tôi nghĩ trong tất cả các bài viết thì thông tin ban đầu rất quan trọng, nó tạo ra những định hướng để thực hiện đề tài. Với bất cứ bài viết nào cũng phải hiểu bản chất của nó là gì, người cung cấp thông tin cho tôi với mục đích gì, từ đó mới căn cứ vào tài liệu để tìm hiểu, điều tra. Từ những tài liệu cứng thì tôi tìm hiểu thực tế để so sánh, đối chiếu thông tin giữa nguồn tin và thực tế như thế nào rồi sau đó mới thực hiện bài viết.

Anh gặp những khó khăn gì khi tác nghiệp?

– Có lẽ khó khăn nhất trong tác nghiệp là bị chặn nguồn tin. Thường khi các đối tượng mình muốn tìm hiểu và họ phát hiện mình điều tra về họ thường tìm mọi cách để che đậy nguồn tin bằng rất nhiều cách khác nhau. Thậm chí họ còn hù dọa, tìm đến các cấp lãnh đạo trên mình để xin xỏ, mua chuộc gây khó dễ cho quá trình thu thập thông tin, tài liệu.

Khi vạch, chỉ ra những sai phạm, tiêu cực đang tồn tại, những cái tên cá nhân và tổ chức bị nêu ra, anh luôn phải đối mặt với những điều gì?

– Thường hầu hết các bài báo sau khi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, tôi luôn đặt cái chung lên làm đầu, phân tích cặn kẽ đến từng chi tiết.

Do đó, khi bài báo đã được đăng thì những đối tượng tôi đưa ra thường chỉ có đến giải thích chứ ít khi bị phản ứng một cách thái quá.

Họ cũng biết mình làm vì cái chung chứ không phải bị tác động từ người này, người kia hay vì kinh tế. Khi họ hiểu được mục đích tôi thể hiện trong nội dung bài báo hoàn toàn đúng đắn nên thường họ chấp nhận và tôi đã tìm được rất nhiều bạn bè sau mỗi bài báo.

Có những trường hợp sau khi báo đăng, một giám đốc doanh nghiệp đã nói thẳng: “Chú đánh anh đau quá, sau loạt bài báo thì liên tục cả năm phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra” và sau đó anh em thường xuyên gặp nhau trao đổi thông tin hoặc gặp ăn bữa cơm trưa với nhau. Giờ đây, người giám đốc đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc.

Đọc các loạt phóng sự điều tra của anh, dài nhiều kỳ và hàng ngàn chữ, nhưng mỗi chữ anh viết đều hết sức cẩn trọng và nghiêm ngặt?

– Đối với mỗi tác phẩm báo chí khi đã hiểu được bản chất của vấn đề thì cứ dựa vào đó mà làm.

Theo tôi, không chỉ thể loại này mà tất cả các bài báo, vấn đề đưa ra phải rất cặn kẽ, đi đến cùng. Tôi vẫn nghe đâu đó anh em báo chí hay nói rằng biết mười đưa năm bảy thôi, phần còn lại để “thủ” nhưng tôi nghĩ nếu đưa như vậy thì dẫn đến tình trạng bạn đọc sẽ bị thiếu thông tin, không hiểu rõ được vấn đề đôi khi sẽ bị hiểu sai lệch vấn đề. Khi mà đã hiểu bán chất của vấn đề, đối tượng mình đưa ra là ai thì cần phải thẳng thắn, không lên vòng vo lập lờ về thông tin.

Nếu không được rõ ràng, minh bạch thông tin thì đối với những loạt bài viết sẽ rất dễ bị bẻ gẫy. Theo tôi nghĩ, mình làm báo chỉ là người đưa thông tin và kết quả thế nào còn phụ thuộc vào độc giả và cơ quan chức năng. Do đó, quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa được thể hiện ngay trên mặt bài báo.

Anh mất rất nhiều thời gian để theo đuổi đề tài?

– Như đã nói ở trên, tôi coi đây là những mảng đề tài chuyên sâu, làm kỹ do đó thời gian thực hiện khá dài. Có những đề tài phải theo dõi, tìm hiểu thông tin, đi cơ sở hàng chục lần với thời gian cả năm mới thực hiện được.

Tuy nhiên, thông thường khoảng ba tháng hoặc nhanh khoảng một tháng là có thể thực hiện được.

Nhưng theo tôi nghĩ với bất kỳ đề tài nào nó còn phụ thuộc vào cơ duyên, thời điểm đăng bài có phù hợp hay không.

Cơ duyên ở đây tôi thấy rằng một vấn đề đã tìm hiểu, trong cả quá trình đó không bật ra được ý hay nhưng có khi bỗng dưng gặp một vấn đề nào đó bình thường của cuộc sống hàng ngày mới có thể bật ra được ý hay để mình thực hiện đề tài.

Thực tế, đã có lần phải vài ba tháng loay hay với một đề tài nhưng không thể tìm được hướng ra để thực hiện bài viết.

Phải chăng việc nhanh nhạy nắm bắt đề tài, cũng như triển khai sớm trước, đề tài hay và mang ý nghĩa dân sinh lớn, là đóng góp ban đầu cho những thành công trong nghề báo của anh?

– Tôi nghĩ rằng mình may mắn khi được làm việc ở một môi trường tốt, đã có bề dày lịch sử truyền thống về báo chí cách mạng và trong đó có những người anh, người thầy luôn tận tình chỉ bảo. Anh em rất thẳng thắn với nhau.

Đây chính là động lực để anh em phóng viên yên tâm thực hiện những đề tài chuyên sâu. Chính từ môi trường làm việc ấy đã cho tôi ý thức được cái “tâm” của người làm báo, yêu nghề hơn. Đến nay, mới chỉ là bước đầu và với tôi nghiệp làm báo sẽ còn kéo dài gần 20 năm nữa để mà phấn đấu.

Trân trọng cảm ơn anh!

10 điều về đạo đức người làm báo được Hội Nhà báo Việt Nam công bố ngày 16/12/2016 gồm:

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; Góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật; Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; Nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận