Hiện tại máy chiếu JmGO G1 đang sử dụng Android 4.3, đi kèm một điều khiển khá ấn tưởng. Giá của sản phẩm này ở Mỹ là 549$. Ngoài ra, nó còn có phiên bản JmGO G1s cao hơn 100$, sáng hơn 15% (1500 Lumen) và cùng khoảng cách đến màn chiếu thì G1s sẽ có kích cỡ hình ảnh lớn hơn 20%.
JmGO G1 là gì?
- Một máy chiếu dùng công nghệ DLP, hỗ trợ tối đa 300” ở khoảng cách 10m
- Một đầu Android Box 4.3 sử dụng chip 4 nhân Cortex A9 1.5GHz, 2GB RAM, 16GB bộ nhớ trong.
- Một bộ loa 360 khá ổn so với kích cỡ của máy.
Thiết kế:
Mình thích thiết kế của JmGO G1, ngoại trừ remote làm từ nhựa quá xấu không hợp với thiết kế tổng thể của thiết bị thì phần khung máy làm từ kim loại khá đẹp với vỏ nhựa dưới đáy. Tuy chất lượng hoàn thiện không phải là quá xuất sắc nhưng ở tầm giá của máy thì mình không thấy nhiều sản phẩm được đầu tư quá nhiều vào phần vỏ như vậy.
JmGO G1 chỉ có một nút bấm duy nhất là nút tắt mở nguồn, nút này sẽ đóng luôn vai trò là đèn LED hiển thị trạng thái thiết bị. Thiết kế của JmGO G1 cũng hướng đến điều đó vì khi theo máy lên tường thì bạn sẽ lật ngược nó lại, đỉnh máy úp xuống dưới còn đáy up lên trên, lúc nào chúng ta cũng thấy được các đèn cảnh báo khá đẹp này.
Xung quanh vỏ của JmGO G1 là hàng ngàn lỗ nhỏ khác nhau mà theo nhà sản xuất dùng để thoát tiếng cho loa. Cá nhân mình cảm thấy loa 360 độ của chiếc máy chiếu này là rất tốt so với hàng loạt các máy chiếu nói chung. Không rõ về lâu dài loa có bị xuống chất lượng, bị rè không nhưng âm lượng khi thử là rất ấn tượng ở kích cỡ như vậy. Thông tin mình thấy thì JmGO sử dụng 4 loa với tổng công suất là 20W đặt ở 4 góc của máy.
Android Box
Bản thân là Android Box, JmGO G1 có thể cài hàng loạt những phần mềm khác nhau như Kodi, HDViet, HTVOnline… và hàng loạt những phần mềm khác. Với việc cài được Kodi thì bạn sẽ có một chiếc máy xem phim khá mạnh mẽ, con chip đồ họa Mali 450 MP4 4 nhân đủ sức giúp máy dựng phim FullHD mượt mà và xuất ra màn hình máy chiếu. Nhà sản xuất cho biết JmGO G1 hỗ trợ phim 4K nhưng mình chưa có điều kiện thử nghiệm.
Thực tế trên thị trường cho thấy các đầu Android Box dù dùng Android “lụi” không được tối ưu hóa cho Android TV gốc như nVidia Shield, Razer Force TV hay các TV Sony nhưng nó lại đang có lợi thế hơn bởi các lập trình viên, đặc biệt là lập trình viên VN ưu tiên phát triển ứng dụng hơn. Ví dụ dễ hiểu nhất là phiên bản HDViet bản Android Box hỗ trợ xem phim rất tốt với âm thanh và phụ đề Việt đầy đủ nhưng khi cài lên Android TV lại không hiển thị được phụ đề, chỉ phù hợp với những ai biết tiếng Anh.
JmGO có thực hiện những thay đổi trên G1 để người dùng dễ dàng sử dụng hơn. Cá nhân mình thấy giao diện này tuy không đẹp như AndroidTV gốc nhưng lại khá dễ dùng và quen thuộc với những ai từng dùng điện thoại Android. JmGO G1 chạy trên nền Android 4.3, và một khi đã cài được Kodi thì các bạn hoàn toàn có thể xem những nội dung chúng ta thích mà không bị ngăn cản, kể cả K+.
Máy chiếu
Bên cạnh đóng vai trò như một đầu Android Box thông thường thì JmGO G1 còn là một máy chiếu với chất lượng khá tốt. Máy chiếu này dùng công nghệ DLP, cho hình ảnh sáng và ổn định kể cả khi môi trường xung quanh không thật sự tối. Thành thật mà nói thì ở kích cỡ của JmGO G1 mình không trông đợi chất lượng trình chiếu quá cao nhưng nó cũng tạo cho một kha khá bất ngờ. Hình ảnh sắc nét và rõ ràng, lưu ý là bạn phải đặt trong tầm giá khoảng 500-700$ để so sánh.
Có một nhược điểm dễ thấy của các máy chiếu nhỏ gọn như vậy là đèn chiếu của nó quá nhỏ, chính vì vậy khi phóng to ra hết mức (300” như khuyến cáo của nhà sản xuất) thì bạn phải để G1 hoạt động trong một căn phòng đủ tối. Thực tế cho thấy nếu mình mua máy chiếu này thì sẽ giới hạn nó ở mức 100-120” là đủ để cân bằng giữa chất lượng và trải nghiệm.
Bù lại cho đèn nhỏ, tuổi thọ của nó thật sự xuất sắc. Thông tin nhà sản xuất cho biết tuổi thọ là 30.000 ngàn giờ, tức các bạn có thể yên tâm xài nó đến khi máy hỏng.
Ngoài việc trình chiếu từ Android Box thì bản thân JmGO G1 vẫn là một chiếc máy chiếu độc lập. Nó có cổng vào HDMI và cổng AV nên bạn có thể kết nối máy tính, điện thoại hay các thiết bị khác vào máy chiếu để trình diễn. Cá nhân mình từng thử máy chiếu này với Lumia 950 để dùng Continuum và nó hoạt động rất tốt.
Ngoài các cổng video thì trên JmGO G1 còn có thêm 2 cổng USB, một USB 3.0 và một 2.0. Bạn có thể sử dụng một trong hai cổng này làm cổng kết nối với ổ cứng gắn ngoài để đọc các file bên trong và cổng còn lại gắn chuột/ bàn phím hay các thiết bị ngoại vi khác.
Remote
JmGO G1 có một cái remote rất lạ, nó dỏm hơn khá nhiều so với máy nhưng lại rất vui vẻ về mặt tính năng. Remote này có đầy đủ các nút để điều khiển Android như Home, Back hay Menu, hơi khó bấm và cần nhiều thời gian để làm quen.
Để điều khiển JmGO G1, bạn sẽ dùng cần joystick trên remote để điều khiển qua lại. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể điều khiển bằng giọng nói (mình chưa thấy có tiếng Việt) và đặc biệt nhất là bấm vào nút chuột để biến JmGO G1 thành một chú chuột bay, lắc qua lắc lại để di chuyển.
Điểm mình thích nhất trên JmGO G1 là nó cho phép điều chỉnh âm lượng bằng cách xoay đầu remote. Ấn tượng hơn nữa, chỉ cần đẩy nhẹ đầu này lên là chúng ta đã có thể xoay để thay đổi tiêu cự cho phù hợp. Việc thay đổi này rất nhanh và chính xác.
Kết luận
Nhìn chung, JmGO G1 là một máy chiếu kiêm kiêm Android box và loa khá hợp lý. Tầm giá của máy ở Việt Nam là khoảng 15 triệu cho bản G1 và 16 triệu cho JmGO G1s, một mức giá không quá cao so với những gì nó mang lại nhưng vẫn hơi khó chấp nhận với đại đa số người dùng.
Nếu bạn muốn tìm kiếm một thiết bị tất cả trong một nhỏ gọn, dễ di chuyển và nhiều chức năng khác nhau thì JmGO G1 là một sản phẩm rất hợp lý. Tuy vậy, ít nhất chúng ta phải vượt qua trả ngại về giá (so với TV truyền thống cho mọi người trong gia đình), về remote không xịn và xuất xứ TQ của nó.
Theo Tinh Tế