Nhiều người Việt có thói quen đi chùa hái lộc sau khi đón thời khắc giao thừa thiêng liêng để tạ ơn trời Phật phù hộ cho một năm suôn sẻ đã qua và cầu mong may mắn, an lành cho cả gia đình trong năm mới. Phong tục này không thuộc về riêng một tộc người nào mà phổ biến ở khu vực Á Đông nói chung. Sau một năm dài đi làm xa, trở về làng để thắp nén nhang trước ông bà tổ tiên, trước thần linh nơi mình sinh ra là điều nền làm.

Đi chùa xin lộc

Theo quan niệm của người xưa, đến chùa phải mang lộc về nhà. Đó là lý do nhiều người khi đến đình, chùa thường vẻ một nhánh cây nhỏ mang về với ngụ ý xin lộc của đất trời về phù hợp cho gia đạo. Chồi non mới nhú biểu trưng cho sức sống căng tràn, dẻo dai và khỏe mạnh. Cành lộc mang về treo trước cửa hoặc đặt trên bàn thờ gia tiên đến khi tàn khô, với niềm tin lộc hái về sẽ đem đến may mắn quanh năm.

Mua vàng bốn số 9 ngày vía Thần tài

Lý do nhiều người mua vàng ngày vía Thần tài bắt nguồn từ một câu chuyện kể dân gian từ Trung Quốc. Ngày xưa, Thần tài sống ở trên trời và cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần uống rượu say, thần rơi xuống trần gian; hễ vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mùng 10 tháng Giêng, Thần tài bay về trời.

Để tưởng nhớ công ơn, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần tài, hàng năm thờ cúng vật phẩm và mua vàng 9999 để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm. Những gia đình có truyền thống làm nghề kinh doanh càng tin tưởng vào chuyện kể này hơn.

Trước đây, việc mua vàng vào ngày vía Thần tài chỉ lan truyền trong cộng đồng thương nhân, người kinh doanh ở Sài Gòn, tập trung chủ yếu ở nhóm người Việt gốc Hoa. Hiện nay, tục này lan rộng khắp nhiều nơi, kể cả Hà Nội. Hình ảnh người dân ở các khu đô thị lớn xếp hàng mua vàng ngày đầu năm cũng dần trở nên quen thuộc.

Hướng đến những con số may mắn

Việc mua sắm dịp đầu năm thường gắn với những niềm tin về đường tài lộc trong năm đó. Để tăng thêm vận may cho bản thân, bạn có thể tìm đến số 8 (có âm tiết trong tiếng Phổ thông tương đồng với từ “phát”) – đại diện cho tài lộc, giàu sang và thành công; hay số 9 (có âm tiết trong tiếng Phổ thông là “cửu”) – đại diện cho sự trường tồn, vĩnh cửu.

Số 9 biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh vĩnh cửu, theo quan điểm của người Trung Quốc. Xét về mặt phong thuỷ, số 9 còn được ưa chuộng bởi tính tiệm cận đến sự viên mãn, tròn đầy chứ không dừng lại hẳn như số 10. Ở Hong Kong (Trung Quốc), việc chọn ngày đẹp để khai trưởng cửa hàng hoặc ký hợp đồng cũng rất ưu ái con số 9. Bởi nếu chọn ngày có số 9, công việc làm ăn sẽ thuận lợi, dài lâu.

Trong khi đó, nhiều người sẽ hạn chế số xui là 4 hoặc 10. Trong tiếng Phổ thông, cả hai số đều có phát âm gần giống chữ “tử” (chết). Chưa kể, số 10 theo quan niệm của người Việt còn là số bù. Đơn cử là khi mua xe mới, mọi người thường rất ngại biển số xe cộng lại thành “10 nút”. Cách tốt nhất là hạn chế mua sắm, khai trương cửa hàng hoặc đưa ra những quyết định quan trọng dịp đầu năm vào những ngày có liên quan đến con số này.

Kiêng quét nhà, vứt đồ

Nguồn gốc của tục này xuất phát từ câu chuyện về một lái buôn tên Âu Minh ở Trung Quốc được Thủy Thần ban cho nàng hầu Như Nguyệt. Sau khi cô hầu xuất hiện, gia đình ông phất lên nhanh chóng. Trong một lần nổi nóng, Âu Minh ra tay đánh Như Nguyệt, còn cô này sợ hãi biến mất vào đống rác. Nhà họ Âu đem đống rác đổ đi, kể từ đó làm ăn sa sút, lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Dân làng cho rằng Như Nguyệt là vị thần đã mang lại sự giàu có, hưng thịnh mà nhà Âu Minh không biết quý trọng; từ đó lập bàn thờ Như Nguyệt và đặt tên là Thần Tài với hy vọng vị này sẽ độ trì cho gia đình được nhiều tài lộc.

Từ truyền thuyết này, nhiều người kiêng quét rác trong 3 ngày đầu năm, nếu có quét cũng chỉ dồn rác vào góc nhà chứ tuyệt đối không đem đổ đi. Ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người còn cho rằng sau khi quét dọn phải cất hết chổi. Bởi nếu mất chổi trong ngày Tết là điềm gở, cả năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.

Hiểu về tục trưng hoa

Một nhành đào đỏ thắm không đơn giản để làm đẹp, thổi sức sống vào không gian sinh hoạt của gia đình mà còn có ý nghĩa trừ ma, trừ mọi điều xấu xa và gửi gắm vào đó lời chúc phúc đầu xuân. Hoa đào còn liên quan đến câu chuyện của hai vị thần Trà và Uất Lũy ở phía Đông núi Sóc Sơn. Trong lúc về chầu Ngọc hoàng cuối năm, để tránh ma quỷ tác oai tác quái, dân chúng đã bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ; ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Phong tục bẻ cành đào cắm trong nhà vào dịp Tết cũng từ đó mà hình thành.

Trong khi đó, nguồn gốc của việc trưng hoa mai ngày Tết lại gắn liền với ý nghĩa biểu trưng hơn là điển tích cổ. Màu vàng tượng trưng cho vinh hiển, cao sang, vốn thuộc về vua chúa. Màu vàng còn thuộc hành Thổ trong ngũ hành, đứng vị trí trung tâm và tượng trưng cho sự phát triển nòi giống theo quan điểm người Việt. Chính vì vậy, nếu hoa mai nở đúng lúc giao thừa hay sáng mùng 1 Tết thì gia đình năm đó sẽ có được thật nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc.

Trăm mối lo cho chuyện chúc Tết

Vị khách đầu tiên bước vào nhà trong năm mới được gọi là người xông đất/xông nhà cho gia đình bạn. Nếu như người đó hợp tuổi với gia chủ hoặc thường gặp may mắn trong cuộc sống, gia đình bạn cũng sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, nếu gặp phải người “nặng vía” hay kỵ tuổi, việc xông nhà ngày Tết thậm chí còn thể dẫn đến xui xẻo, cãi vả.

Cũng từ suy nghĩ này, bạn cần tránh đi chúc Tết vào sáng mùng 1 nếu không nhận được lời mời từ gia chủ. Những gia đình không may có tang vào dịp Tết cần tránh đi hỏi thăm người khác nếu không muốn trở thành lý do của mọi sự xui xẻo trong năm đó.

Không riêng việc có tang, trang phục màu đen – trắng tượng trưng cho sự tang tóc cũng cần được hạn chế. Phụ nữ có thai cũng cần tránh đi chúc Tết người khác. Theo quan niệm dân gian, người có thai sẽ gánh theo xui xủi vào nhà, chưa kể đứa trẻ sắp chào đời cũng trở thành kẻ ăn nói vô duyên.

Kiêng vay mượn đầu năm

Quen thuộc nhất mỗi dịp đầu năm là hạn chế vay mượn hoặc trả nợ tiền bạc cho người khác. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân, con người mở cửa để đón lộc vào nhà. Hành động vay mượn hoặc trả nợ giống như “dâng” tài lộc bỏ sang tay người khác. Do đó, ông bà, cha mẹ thường răn dạy con cháu hạn chế vay mượn đồ đạc, tiền bạc của người khác để tránh rơi vào hoàn cảnh này.

Kiêng cho lửa

Ngoài việc cho mượn tiền, lửa và nước là hai thứ mà mỗi gia đình cần trân trọng, gìn giữ khi xuân về, tuyệt đối tránh việc cho đi lung tung. Bởi lửa màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, gian bếp đỏ lửa tượng trưng cho gia đình sung túc, ấm áp quanh năm. Nếu bạn cho đi những điều may mắn đó thì cả năm sẽ khó giữ được tiền bạc, tài lộc trong gia đình.

Kiêng cho nước

Nếu lửa là may mắn thì nước được ví von như tài lộc của mỗi gia đình. Trước khi bước sang năm mới, các gia đình thường sẽ đổ đầy nước vào bể, chum hoặc vại. Điều này xuất phát từ tâm thức năm mới đến, của cải sẽ nhiều như nước. Ngoài việc tránh cho đi những điều may mắn thì giữ lại những điều tốt đẹp trong nhà cũng là yếu tố nên làm. Những ngày cuối năm, bạn có thể đi kiểm tra thùng gạo của gia đình và đổ đầy hết mức có thể. Điều này cũng xuất phát từ mong muốn gia đình sẽ có của ăn của để, không bị túng thiếu suốt năm đó.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận