Kết thúc 120 phút thi đấu, U23 Việt Nam bước vào loạt thi đấu luân lưu đem về chiến thắng vang dội châu Á trước U23 Iraq với chỉ duy nhất Duy Mạnh bị chuột rút, trong một trận đấu đôi công mà đối thủ phải kinh ngạc trước sức mạnh và sự dẻo dai của các chàng trai áo đỏ, ngạc nhiên chưa?
Có gì mà ngạc nhiên
Bởi sự mệt mỏi về mặt cơ bắp của các chàng trai làm nên kỳ tích chấn động cả châu Á rồi sẽ đến, nhưng không phải khi họ còn đứng trên sân, bởi dòng máu chảy rừng rực trong người khi mang trong tim niềm tự hào, tình yêu Tổ quốc, thì đấy là thứ ma túy nội sinh hảo hạng, giúp những mệt mỏi phải lùi xa.
Trước trận đấu này, Fox Sports lên bài chê trách hết lời lối chơi mà HLV Park Hang-seo áp dụng cho các học trò của mình, rằng lối chơi ấy sẽ “làm hỏng”, sẽ “kéo tụt”, bởi lối chơi phòng ngự kiểu “xe bus” đưa U23 Việt Nam vào tứ kết quá quan tâm đến kết quả, mà gây hại cho sự sáng tạo và tài năng của các cầu thủ trẻ.
Trong trận đấu, trọng tài người Australia đã ít nhất 2 lần “giết” các chàng trai áo đỏ. Lần đầu tiên là pha thổi phạt đền ở tình huống hai hậu vệ Việt Nam không hề phạm lỗi, biếu không bàn thắng cân bằng tỷ số cho U23 Iraq, và lần thứ hai là pha “bỏ quên” tình huống việt vị mà nếu Bùi Tiến Dũng không cứu thua xuất thần, U23 Việt Nam đã “chết” oan uổng.
Chẳng sao cả, U23 Việt Nam “chấp tất”
Ông Park Hang-seo đáp trả đích đáng lời chỉ trích bằng lối chơi tấn công rực lửa mà 3 bàn thắng và thế trận khiến U23 Iraq phải “hồn xiêu phách lạc”. Và những chiếc áo đỏ với ngôi sao vàng trên ngực đáp trả những quyết định đầy thiên vị của trọng tài bằng chiến tích huy hoàng.
Rõ ràng, mọi con số thống kê, mọi phân tích chiến thuật đều là vô nghĩa, dù cho chiến thắng này đầu tiên phải dâng tặng HLV Park Hang-seo với sự lựa chọn gây bất ngờ cho cả những nhà chuyên môn cộm cán nhất, nhường chỗ cho tinh thần mà lâu lắm rồi, người ta chưa được thấy lại ở đội tuyển Việt Nam.
Từ Hữu Thắng đến Park Hang-seo, chưa đầy nửa năm, chẳng ai còn nhận ra nổi một U23 Việt Nam dám căng ngực đối đầu với một trong những đội bóng mạnh hàng đầu châu Á. Tinh thần ấy, khí thế ấy, người ta đã được chứng kiến một lần trong hình bóng đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002.
Nhưng nếu như kỳ tích ấy của đội tuyển Hàn Quốc lại mang đậm sự xấu xí vì nghi vấn trọng tài, vì lối đá triệt hạ giúp họ vượt qua Italia và Tây Ban Nha, thì trên đất Trung Quốc, U23 Việt Nam nhập cuộc với tâm thế “cửa trên” – điều chưa bao giờ thấy ở đội bóng áo đỏ trong những lần “bơi ra biển lớn”.
Hai ngày trước trận đấu này, bà Nguyễn Thị Cúc – mẹ của tiền vệ Quang Hải từng trả lời khi người viết nhắc về “ngôi sao” là con trai bà: “Chẳng có ngôi sao nào đâu anh ạ! Tôi vẫn dặn cháu khi ra sân, ngôi sao duy nhất là ngôi sao vàng trên ngực áo”.
Câu nói của người mẹ quê ấy cứ ám ảnh người viết mãi trên đường về, và hôm nay, trên sân vận động cách xa ngàn dặm với quê nhà, những ngôi sao vàng trên ngực áo ấy rực sáng xuyên qua màn sương mù dày đặc, để chảy chung một dòng máu Việt hừng hực, dưới bàn tay gắn kết của một người Hàn Quốc vĩ đại.
Người Hàn Quốc ấy đã chia sẻ trong nước mắt, ngay trong phòng họp báo, trước các phóng viên Việt Nam và quốc tế: “U23 Việt Nam có niềm tin từ sâu trong tim, và họ đã thổi bùng nó trên sân, trong trận đấu này”.
Người đàn ông trong giây phút hạnh phúc nhất
Trong niềm vui chiến thắng và sự tự hào về các học trò của mình chợt chạnh lòng nhớ về vợ con, về người mẹ già 97 tuổi hẳn sẽ rất tự hào vì mình đã nói đúng.
Chiến thắng ấy chỉ có thể đến từ trái tim!
VN-Tek