Sáng 1/2, trên trang Google search tại Việt Nam, logo quen thuộc của công cụ này được cách điệu thể hiện hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh mặc áo dài, tóc búi cao, xung quanh là các trang viết, bình hoa mai. Tác phẩm do họa sĩ Camelia Phạm thực hiện.
Camelia Phạm cho biết cố gắng tìm kiếm hình ảnh biểu tượng từ những bài thơ của Sương Nguyệt Anh để minh họa. Sinh thời, nữ sĩ từng sáng tác bài Cây mai với những câu từ: “Tài không sắc, sắc không tài/ Lá úa nhành khô cũng tiếng mai/ Ngọc ánh chi nài son phấn đượm / Vàng ròng há sợ sắc màu phai”.
“Tôi kết hợp phong cách đồ họa phẳng với màu sắc hoài cổ, nhằm gợi cảm giác xưa cũ nhưng vẫn giữ được nét hiện đại”, Camelia Phạm nói. Họa sĩ khắc họa sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của Sương Nguyệt Anh khi cố gắng phá bỏ rào cản để thành lập tờ báo riêng cho phụ nữ, thông qua biểu cảm trên gương mặt.
Trong phần giới thiệu của Google Doodle, bà Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc sống của bà trải qua nhiều vất vả. Cha qua đời khi bà 24 tuổi, bà cùng anh trai tiếp quản trường học để dạy cho người địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, Mỹ Tho kết hôn và sinh được một con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời.
Ngày 2/1/1918, tờ báo Nữ giới chung lần đầu xuất bản, bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Bà viết nhiều tác phẩm về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội, bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là “Nguyệt Anh góa bụa”. Bà qua đời ngày 20/1/1921, ở tuổi 57.
“Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Một số đường phố mang tên Nguyệt Anh ở TP HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu”, trang này viết.
Google Doodles là những biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng, nhân loại.
Hình thức vinh danh này xuất hiện lần đầu vào năm 1998. Khi người dùng nhấn chuột vào bức ảnh trên trang chủ, Google sẽ đưa họ tới trang tìm kiếm thông tin về nhân vật. Trước đó, nữ sĩ Xuân Quỳnh, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh họa Bùi Xuân Phái… là những tên tuổi Việt Nam được vinh danh.
VN-Tek