Về cơ bản, Snapdragon 820 tích hợp 4 nhân xử lý Kryo và nhân đồ họa GPU Adreno 530. Theo Qualcomm, hiệu năng xử lý bộ xử lý này cao gấp 2 lần và tiết kiệm năng lượng hơn so với dòng chip Snapdragon 810 tiền nhiệm. Bên cạnh đó, hiệu năng đồ họa của Adreno 530 cũng cao và tiết kiệm pin hơn so với Adreno 430. Chức năng chụp ảnh, nhất là chụp thiếu sáng của thiết bị dùng Snapdragon cũng mạnh mẽ hơn và hỗ trợ camera lên đến 25 megapixel.

Đặc biệt hơn cả, Snapdragon 820 được trang bị modem LTE X12 với tốc độ download và upload nhanh hơn. Bên cạnh đó, dòng chip này cũng hỗ trợ chức năng sạc nhanh Quick Charge 3.0, bảo mật dựa trên sóng siêu âm với Sense ID và tăng trải nghiệm thực tế ảo nhờ chức năng Hexagon Vector Extensions trong vi xử lý tín hiệu số Hexagon 680 DSP.

Qualcomm: Bên cạnh các sản phẩm hiện có trên thị trường đến từ các hãng HP, Xiaomi, LeEco, Samsung, LG, Sony và Vivo, Qualcomm cũng đang có hơn 100 dự án được phát triển dựa trên Snapdragon 820.

Năng lực xử lý mạnh mẽ

Qualcomm cho biết, về mặt thiết kế Snapdragon 820 có nhiều khác biệt và ưu việt hơn so với dòng tiền nhiệm Snapdragon 810. Những điểm khác biệt này giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn về mọi mặt: chất lượng hình ảnh hiển thị đẹp và mượt mà hơn (Visual quality), chất lượng âm thanh vòm 3D trong trẻo và trung thực hơn (Audio quality); tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn và khả năng tương tác, cá nhân hóa tốt hơn (Intuitive interactions).

Về năng lực xử lý, Snapdragon 820 được Qualcomm trang bị CPU Kryo 4 nhân (2 nhân có tốc độ xung nhịp 1,6 GHz, bộ nhớ đệm L2 Cache 512 KB và 2 nhân có tốc độ xung nhịp 2,15 GHz với bộ nhớ đệm L2 Cache 1 MB) kết hợp với nhân xử lý đồ họa GPU Adreno 530. Theo chia sẻ của Qualcomm, khả năng xử lý của bộ xử lý 64-bit tùy chỉnh đầu tiên này của hãng có khả năng mang lại hiệu năng cao gấp 2 lần so với dòng Snapdragon 810 trước đó. Không chỉ có hiệu năng cao, khả năng tiêu thụ điện năng của CPU Kryo cũng thấp hơn 2 lần so với mẫu chip cao cấp tiền nhiệm.

Bên cạnh đó, hai bộ vi xử lý tín hiệu số (digital signal processor) DSP Hexagon 680 và Snapdragon Sensor Core tích hợp bên trong Snapdragon 820 cũng giúp cho khả năng xử lý đa nhiệm, trình chiếu nội dung giải trí và tiết kiệm năng lượng được hiệu quả hơn.

Về khả năng xử lý đồ họa, GPU Adreno 530 trên Snapdragon 820 giúp cũng cao hơn và tiết kiệm năng lượng hơn 40% so với bộ xử lý đồ họa Adreno 430.

Những yếu tố trên Snapdragon 820 giúp tạo nên chất lượng trải nghiệm mạnh mẽ hơn trên thiết bị di động.

Hình ảnh được tái tạo lại với độ chi tiết cao nhờ bộ xử lý Kryo và nhân đồ họa Adreno 530.

Những yếu tố cấu thành nên Snapdragon 820

Khả năng chụp ảnh và quay phim tốt hơn

Trong Snapdragon 820, Qualcomm đã trang bị vi xử lý hình ảnh Qualcomm Spectra ISP (Image Signal Processor) mới giúp cho chất lượng video và ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng được đẹp và rõ ràng hơn. Vi xử lý 14-bit Dual-ISP của Spectra có khả năng hỗ trợ máy ảnh có độ phân giải lên đến 25 megapixel. Nhờ các công nghệ ưu việt trong vi xử lý này mà ảnh chụp có được độ sắc nét, màu sắc da tự nhiên và tốc độ chụp ảnh cũng nhanh hơn (zero shutter lag).

Qualcomm cho biết Spectra ISP được thiết kế tối ưu để giúp người dùng thiết bị di động có thể trải nghiệm chất lượng ảnh chụp của máy ảnh DSLR ngay trên di động với khả năng chụp đêm, thiếu sáng tốt hơn. Spectra ISP cũng hỗ trợ xử lý kết hợp việc lấy nét tự động theo pha lai (Hybrid Phase Detection Auto Focus), lấy nét bằng tia laser hay hệ thống Contrast AF… cho phép thiết bị lấy nét và xử lý nhanh, “bắt” được những khoảnh khắc trong cuộc sống.

Riêng với chức năng quay phim, Spectra ISP có khả năng tiết kiệm 25% điện năng khi quay phim HD và 4K với thiết bị di động. Công nghệ quay phim thiếu sáng Snapdragon LLV cũng giúp xử lý sáng các vùng tối để hình ảnh được rõ ràng hơn khi quay phim vào ban đêm. Ngoài ra, chức năng Touch to Track của Spectra ISP cũng giúp cho việc lấy nét, khóa nét , phóng to thu nhỏ khung hình hay theo dõi đối tượng khi chụp ảnh cũng hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Spectra ISP có thể hỗ trợ xử lý 3 camera cùng lúc (1 camera trước và 2 camera sau), hỗ trợ chụp ảnh RAW và HDR tốt hơn nhờ kết hợp với chức năng mở rộng Hexagon Vector eXtensions trên vi xử lý hình ảnh Hexagon 680 DSP. Snapdragon 820 còn được tích hợp chức năng Zeroth Scene Detect đóng vai trò như một cỗ máy có khả năng học (machine learning), giúp lưu lại và ghi nhớ những thiết lập của người dùng trong từng điều kiện chụp ảnh khác nhau để tự động cân chỉnh phù hợp cho những lần sử dụng sau.

Ảnh chụp với thiết bị dùng Snapdragon 820 sáng đẹp hơn nhờ vi xử lý hình ảnh Spectra ISP.

Truyền tải dữ liệu di động tốc độ cao

Snapdragon 820 được trang bị modem X12 LTE giúp tăng cường tốc độ truyền tải dữ liệu cho thiết bị di động. Theo công bố của Qualcomm, tốc độ download/upload tối đa trên mạng di động LTE mà X12 LTE hỗ trợ có thể đạt mức 600 Mbps (75 MB/s) và 150 Mbps (18,75 MB/s) theo chuẩn LTE Cat. 12 và Cat. 13. Nếu so với Snapdragon 810 thì tốc độ truyền tải dữ liệu di động với kết nối 4G LTE mà Snapdragon 820 hỗ trợ cao hơn 33% (download) và 200% (upload).

Khả năng chuyển đổi thông minh giữa LTE và Wi-Fi kết hợp với công nghệ ăng-ten ngầm 4×4 MIMO giúp cho tốc độ kết nối luôn ổn định và đạt mức cao nhất. Ngoài ra, modem X12 LTE này cũng hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 802.11ad Multi-Gigabit giúp việc xem phim 4K qua mạng hay gửi nhận dữ liệu có dung lượng lớn được nhanh chóng hơn. Một điểm ưu việt khác của modem này là có khả năng kết nối và hoạt động liền mạch trên mạng Wi-Fi ở các băng tần 2,4 GHz, 5 GHz và 60 GHz.

Đối với người dùng muốn sử dụng kết hợp cả hai kết nối LTE và Wi-Fi thì modem thế hệ mới tích hợp trên Snapsragon 820 có khả năng hỗ trợ LTE trong phổ tần không có giấy phép LTE-U (LTE in Unlicensed spectrum) để có tốc độ nhanh hơn khi sử dụng ở nơi có nhiều người dùng. Bên cạnh đó, việc thực hiện thoại video qua LTE và Wi-Fi cũng có được chất lượng hình ảnh mượt mà và liên tục hơn. Nếu bạn thường xuyên sử dụng chức năng phát Wi-Fi thì chức năng Hotspot trên các thiết bị dùng Snapdragon 820 có khả năng tiêu thụ điện năng thấp hơn 45% so với các thế hệ khác.

Sense ID giúp nhận diện dấu vân tay nhạy hơn với độ chi tiết cao nhờ sóng siêu âm.

Mô hình công nghệ Snapdragon Sense ID 3D Fingerprint được tích hợp dưới lớp kính màn hình và bề mặt kim loại.

Chức năng bảo mật cao cấp

Snapdragon 820 được Qualcomm trang bị khả năng bảo mật độc đáo có tên là Snapdragon Sense ID 3D Fingerprint. Như cách mà Apple, Samsung hay một số hãng khác đang làm thì việc tích hợp cảm biến dấu vân tay hiện nay phần lớn được đặt ở nút Home của thiết bị, một số khác được bố trí riêng ở mặt sau. Với công nghệ Sense ID tích hợp trên Snapdragon 820 thì khác, cảm biến nhận diện dấu vân tay được tích hợp trực tiếp lên màn hình hay thậm chí là bất cứ đâu trên thiết bị.Với công nghệ này, Qualcomm đã thực sự gây sự chú ý vì khả năng áp dụng vào thực tế và phổ biến của công nghệ này trong tương lai gần là rất cao.

Với Sense ID 3D Fingerprint, thay vì sử dụng một cảm biến điện dung giống như cách của Apple áp dụng cho Touch ID hay cảm biến vân tay trên các dòng thiết bị cao cấp khác thì Qualcomm dùng sự trợ giúp của sóng siêu âm (Ultrasonic) để có thể cảm nhận cấu trúc vân tay qua các lớp vật liệu cấu tạo nên màn hình. Nếu như các hệ thống cảm biến sinh trắc học hiện tại đòi hỏi người dùng phải chạm trực tiếp ngón tay mới có thể nhận diện, thì công nghệ Sense ID 3D có thể phân biệt được các mẫu dấu vân tay nhờ ánh xạ siêu âm thu được từ cấu trúc của các đường vân tay.

Qualcomm khẳng định công nghệ này cũng sẽ nhận diện chính xác hơn so với các cảm biến sinh trắc hiện nay. Bên cạnh nhận diện được sơ đồ của vân tay, cảm biến Sense ID 3D còn có thể thu nhận được các đặc điểm khác của dấu vân tay ghi nhận. Ấn tượng hơn, nhờ hoạt động dựa trên sóng siêu âm nên công nghệ này có thể hoạt động được kể cả khi được tích hợp bên trong vỏ của điện thoại, đằng sau một màn hình cảm ứng hoặc bên trong một chiếc smartwatch.

Qualcomm còn nhấn mạnh thêm rằng, cảm biến này có thể nhận diện dấu hiệu sinh trắc xuyên qua lớp mồ hôi, kem dưỡng da… nên nhiều người sẽ liên tưởng Sense 3D ID giống như một máy quét sinh trắc học.

Được biết, công nghệ Snapdragon Sense ID 3D Fingerprint không đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Công nghệ này chỉ cần chip Snapdragon bất kỳ tích hợp thêm thành phần bảo mật, bộ cảm biến sinh trắc gồm một mạch sinh trắc học tích hợp (QBIC), công nghệ cảm biến tùy chỉnh và các thuật toán xử lý của hệ thống SecureMSM. Với những khả năng như vậy, công nghệ này hứa hẹn sẽ thay thế hiệu quả cho mật khẩu và mã PIN hiện nay.

Qualcomm cho biết hệ thống này cũng tương thích với các đặc điểm kỹ thuật của FIDO (Nhận diện Trực tuyến Nhanh – Fast IDentity Online) và Hiệp hội UAF (Alliance Universal Authentication Framework), và điều này đồng nghĩa với việc các trang web hay ứng dụng đám mây cũng có thể sử dụng được công nghệ bảo mật mới của Qualcomm.

Ngoài Sense ID 3D Fingerprint, Qualcomm cũng trang bị chức năng bảo mật Smart Protect cho dòng chip Snapdragon 820 của mình. Khác biệt so với giải pháp bảo mật bằng phần mềm ngày càng trở nên lỗi thời, Smart Protect được Qualcomm tích hợp thẳng vào phần cứng là những mẫu chip SoC. Điểm giúp người dùng an tâm hơn với công nghệ này là Snapdragon Smart Protect có khả năng tự cập nhật thông tin, học hỏi, phân tích hành vi của người dùng để phát hiện các tác nhân độc hại xâm nhập hệ thống và lỗi zero-day.

Phương thức bảo vệ an toàn cho thiết bị của Snapdragon Smart Protect.

Theo Qualcomm, Snapdragon 820 là dòng chip đầu tiên được trang bị Smart Protect. Hãng cho biết trong thời gian tới công nghệ bảo mật này sẽ tiếp tục sẽ được bổ sung vào các mẫu chip khác, kể cả các mẫu chip tầm trung.

Qualcomm đã trình diễn một mô hình bảo vệ thiết bị di động khá ưu việt sử dụng công nghệ Smart Protect với một chức năng có tên Safe Switch (Qualcomm kết hợp với hãng bảo mật AVG) tại sự kiện ra mắt Snapdragon 820 dành cho báo giới. Trong phần trình diễn, một thiết bị giả định bị mất đã được khóa từ xa với một mã PIN hoặc mật khẩu và chỉ có chủ nhân mới có thể mở khóa trực tiếp ngay trên thiết bị hoặc thông qua giao diện quản lý trên nền web. Nếu không có sự can thiệp của chủ nhân thì thiết bị này vĩnh viễn sẽ trở thành một “cục chặn giấy” thực thụ vì Smart Protect đã khóa thiết bị ngay trong Bootloader, không có bất kỳ giải pháp phần mềm nào có thể mở khóa được.

Qualcomm cho biết, các sản phẩm thương mại dùng Snapdragon Smart Protect sẽ có mặt trên thị trường vào giữa năm nay. Hiện hãng đã hợp tác với các tên tuổi trong ngành bảo mật Avast, AVG và Lookout để tích hợp công nghệ này vào các giải pháp bảo vệ của mình.

Công nghệ sạc nhanh tích hợp

Trên Snapdragon 820, Qualcomm cũng tích hợp chuẩn sạc nhanh Quick Charge 3.0 có hiệu năng sạc cao hơn khoảng 40% so với thế hệ Quick Charge 2.0. Với chuẩn sạc nhanh mới này, thiết bị có thể sạc từ 0% lên mức 80% chỉ trong vòng 35 phút.

Quick Charge 3.0 còn được trang bị công nghệ tối ưu điện năng thông minh INOV (Intelligent Negotiation for Optimum Voltage) giúp tiết kiệm năng lượng hơn khi sạc pin. Chẳng hạn nếu so với Quick Charge 2.0 chỉ cấp năng lượng ở các mức điện năng 5V, 9V, 10V và 20V thì Quick Charge 3.0 có thể chia nhỏ các mức này xuống còn 200mV, trải dài từ 3,6V đến 20V. Điều này giúp cho Quick Charge 3.0 tiết kiệm điện năng dùng cho sạc pin hơn.

Hiện tại, Quick Charge 3.0 hỗ trợ các chuẩn kết nối như USB, microUSB và USB-Type C. Chuẩn sạc nhanh mới này cũng tương thích ngược với các máy tích hợp Quick Charge 2.0 và 1.0. Tất nhiên, nếu có được tốc độ sạc nhanh của Quick Charge 3.0 thì thiết bị phải sử dụng Snapdragon 820 hay các dòng chip khác được Qualcomm trang bị công nghệ sạc nhanh này.

Bên cạnh Quick Charge 3.0, Snapdragon 820 còn hỗ trợ chuẩn sạc không dây WiPower cải tiến giúp sạc pin với dòng điện đầu ra (output) 2A trong cự ly sạc khoảng 10 cm.

Hiện tại, có một số dòng sản phẩm được tích hợp công nghệ sạc nhanh QuickCharge 3.0 như HTC One A9, General Mobile GM5+, HP Elite x3, LeTV Le MAX Pro, LG G5, NuAns NEO, Xiaomi Mi 5…

QuickCharge 3.0 giúp tốc độ sạc pin nhanh hơn 40% so với QuickCharge 2.0

Trải nghiệm nội dung thực tế trên thiết bị VR sử dụng Snapdragon 820

Hỗ trợ hoàn hảo trải nghiệm thực tế ảo

Bên cạnh khả năng xử lý mạnh mẽ, mang lại chất lượng hình ảnh trung thực và khả năng bảo mật cao, Snapdragon 820 còn giúp trải nghiệm nội dung thực tế ảo VR (Virtual Reality) được tự nhiên và thật hơn. Tại sự kiện giới thiệu Snapdragon 820 dành cho thị trường Đông Nam Á, các phóng viên đã được dịp trải nghiệm nội dung thực tế ảo áp dụng trên thiết bị dùng Snapdragon 820. Nhờ khả năng xử lý hiệu quả nội dung Full HD, 4K Ultra HD, game 3D mạnh mẽ nhờ CPU Kryo, nhân đồ họa Adreno 530 mà hình ảnh được thể hiện thực sự sắc nét, mượt mà với tốc độ khung hình (frame rate) cao qua khung hình của kính thực tế ảo. Bên cạnh đó, vi xử lý Snapdragon Spectra ISP tích hợp cũng giúp những trải nghiệm trên thiết bị thực tế ảo được tự nhiên và hạn chế tình trạng mệt mắt khi dùng lâu.

Ngoài ra, công nghệ âm thanh 360 độ (360 degree audio) được trang bị trên Snapdragon 820 giúp cho trải nghiệm nội dung thực tế ảo được sống động và hấp dẫn hơn. Theo Qualcomm, các cảm biến kết hợp với Adreno 530 GPU, vi xử lý Hexagon 680 DSP và phần mở rộng Hexagon Vector Extensions giúp người dùng đắm chìm trong thế giới 3 chiều của thực tế ảo với chất lượng “thật” nhất.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận