Trả lời phỏng vấn của trang Bloomberg, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế và cựu cố vấn chính phủ tại Hà Nội nói: “Luật An ninh mạng là một bước lùi lớn cho Việt Nam. Nó sẽ hạn chế tự do ngôn luận và ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài, và bây giờ với luật này “sẽ làm tổn hại nghiêm trọng nỗ lực đó,” ông Doanh nhận định.

Quốc hội Việt Nam ngày 12/6

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) lập tức ra thông cáo báo chí, trích phát biểu của bà Clare Algar, Giám đốc điều hành toàn cầu của tổ chức:

“Quyết định này có nguy cơ gây hậu quả tàn hại cho tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong bầu không khí tự do phát biểu bị kìm nén sâu sắc, không gian mạng là nơi mọi người có thể chia sẻ ý kiến mà ít lo ngại về sự chỉ trích của chính quyền.”

“Luật cho phép chính phủ một quyền hạn bao quát để giám sát hoạt động trực tuyến của người dân, cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là hiện nay ở Việt Nam không còn chỗ an toàn nào để mọi người tự do nói chuyện.”

Chia sẻ nhận định của ông với BBC Tiếng Việt ngay sau tin luật được phê chuẩn, linh mục Phan Văn Lợi từ Huế nói:

“Đối với dân Việt Nam, hành động đó là vô nghĩa. Đối với các thành viên Quốc hội bỏ phiếu, đó là một chi tiết trong hồ sơ tội trạng của họ với đất nước.”

Ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam chia xẻ nhận định với BBC Tiếng Việt:

“Tin buồn cho ngày hôm nay, nhưng tôi không mấy ngạc nhiên. Dưới áp lực từ các Bộ Công an, Quốc phòng và sau sự tán thành của ủy ban trung ương đảng, cơ quan lập pháp của Việt Nam hôm nay thông qua luật an ninh mạng được soạn thảo một cách kém cỏi.”

Ông Brown giải thích:

“Tất cả các quốc gia cần phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ bí mật hồ sơ, tài liệu chính thức, và ngăn chặn hành vi trộm cắp dữ liệu cá nhân, tôi không tranh luận gì với những quy định này của luật mới.”

“Nhưng nhiều điều khoản khác sẽ cản trở sự hội nhập của Việt Nam vào mạng lưới toàn cầu; làm chậm sự tăng trưởng của quốc gia.”

“Tệ hơn nữa, theo quan điểm của tôi, bộ luật vừa được thông qua là một nhạo báng cho cam kết của Việt Nam với tự do ngôn luận. Cảnh sát bây giờ sẽ có thể buộc Google (You Tube), Facebook và phương tiện truyền thông xã hội khác cho họ truy cập vào các tài khoản của bất kỳ công dân Việt Nam nào. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng đánh cược rằng, như họ từng làm trước đây, giới tư tưởng độc lập của Việt Nam sẽ tìm cách gây thất vọng cho đảng.”

Bức xúc vì thông tin chống đối

Trong khi đó, tại Việt Nam, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, cho hay ông ủng hộ Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.

Phát biểu hôm 12/6, ông Nhưỡng nói: “Những thông tin chống đối đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta những ngày qua trên mạng xã hội tạo ra sự bức xúc. Những ĐBQH như tôi suy nghĩ cần phải ủng hộ việc thông qua đạo luật này.”

“Không có bất kỳ một đạo luật nào là hoàn hảo, phải sơ kết và tổng kết. Quá trình thực hiện chúng ta sẽ lấy thực tiễn làm thước đo và xem xét lại để đánh giá. Lúc đó sẽ biết rõ đạo luật đó có hay không có tính khả thi cao, có liên quan đến vấn đề xã hội và vấn đề pháp lý hay không. Các đạo luật ra đời thông thường để phúc đáp lại yêu cầu của xã hội, bây giờ xã hội đang rất cần nó thì dứt khoát phải bấm nút thông qua. Ở đây chúng ta phải phải đặt lợi ích quốc gia cao hơn.” Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu.

Còn câu chuyện của nhiều người, tôi không loại trừ trong đó có những đối tượng chống phá nói có vấn đề nọ, vấn đề kia. Bản thân tôi trước đó cũng đã có những lo ngại và bây giờ vẫn còn có điều băn khoăn. Nhưng mình phải đặt ra so sách là việc thông qua luật có lợi hơn hay không thông qua có lợi hơn.

Hôm 9/6 tổ chức Ân xá Quốc tế viết một loạt thư ngỏ cho giám đốc điều hành của các công ty Apple, Facebook, Google, Microsoft, và Samsung kêu gọi những công ty này “thách thức” luật An ninh mạng, và “cho chính phủ Việt Nam biết sẽ không thực hiện bất kỳ yêu cầu, hoặc chỉ thị nào vi phạm những quyền cơ bản của con người.”

Trong thông cáo báo chí của Ân xá Quốc tế gửi đi sáng nay, bà Clare Algar được trích lời nói:

“Luật An ninh mạng chỉ có thể hữu hiệu nếu các công ty hợp tác với yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc bàn giao dữ liệu cá nhân. Những công ty hoạt động ở đây phải không tham gia vào các vụ lạm dụng nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi họ sử dụng quyền lực đáng kể mà họ có theo ý của họ để thách thức chính phủ Việt Nam về việc ban hành luật lệ tụt hậu này.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết chưa nhận được hồi âm của các công ty này.

Theo BBC

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận