Sau 2 thập kỷ lơ lửng trong không gian, tàu vũ trụ Cassini của NASA sẽ chính thức kết thúc sứ mệnh vào ngày 15/9. Cassini sẽ tiếp tục gửi dữ liệu về Trái Đất trước khi tiến vào bầu khí quyển của Sao Thổ và bốc cháy.

Hình ảnh được chụp cuối tháng 11/2010 với phần bóng của vệ tinh Enceladus ngả xuống phía dưới. Dự kiến, tàu vũ trụ trị giá hơn 3 tỷ USD của NASA mất liên lạc với Trái Đất vào lúc 11h54 (giờ GMT) ngày 15/9. Trên đường đi, nó sẽ thu thập dữ liệu cuối cùng để trả lời những câu hỏi quan trọng về bên trong Sao Thổ, các cơn bão bí ẩn, bầu khí quyển khắc nghiệt, tuổi của các vành đai và độ dài một ngày.

Hình ảnh về những dải màu tuyệt đẹp được ghi lại trong lúc tàu Cassini đến gần vành đai Sao Thổ. Đây là vành đai lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, chứa vô số các loại hạt, tập trung thành đám bụi quanh Sao Thổ. Dữ liệu gần đây từ Cassini đem đến nhiều khám phá bất ngờ cho các nhà khoa học, giúp họ đưa ra kết luận rằng vành đai phát sáng của Sao Thổ hình thành sau 120 triệu năm so với tính toán ban đầu.

Hình ảnh ghi lại vùng cực Bắc của Sao Thổ cho thấy hiện tượng cực quang cùng lớp khí quyển của hành tinh này. Trước đó, tàu thăm dò không người lái Cassini, thành quả hợp tác giữa cơ quan hàng không Mỹ và Italy, được phóng lên vào ngày 15/10/1997 và đã tới quỹ đạo của Sao Thổ vào năm 2004, sau khi thực hiện hành trình qua Sao Kim và Sao Mộc.

Từ đó, Cassini đã bay quanh Sao Thổ để chụp ảnh bề mặt của nó, giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về khí quyển, từ quyển và các vệ tinh băng giá của hành tinh này. Trong ảnh, 3 vệ tinh của Sao Thổ cùng xuất hiện trong một bức ảnh. Tethys ở trên cùng. Phía dưới, bên trái là Minas, cạnh đó là Enceladus. Sao Thổ có tới 62 vệ tinh tự nhiên, và chỉ 53 trong số này đã được đặt tên.

Vệ tinh Daphnis của Sao Thổ ẩn hiện ở phía ngoài vành đai. Hồi tháng 4, NASA cho biết đã tìm thấy bằng chứng mới cho thấy nơi có nhiều khả năng tìm thấy sự sống nhất ngoài Trái Đất là vệ tinh Enceladus của Sao Thổ. Với một quang phổ kế khổng lồ, tàu thăm dò Cassini quay quanh Sao Thổ từ năm 2004 đã phát hiện có sự hiện diện của hydro trong các cột vật chất phun lên từ bề mặt đóng băng của Enceladus.

Một trong những hình ảnh hiếm hoi nhất ghi lại hình ảnh của Sao Thổ, vành đai phát sáng và Trái Đất. Cách Sao Thổ khoảng 1,5 tỷ km, Trái Đất chính là đốm sáng nhỏ màu xanh trong hình.

Khi nhận thấy nhiên liệu của Cassini sắp cạn kiện, NASA quyết định để nó “thả mình” xuống Sao Thổ nhằm tránh va chạm với các vệ tinh Titan và Enceladus, nơi tiềm ẩn sự sống ngoài Trái Đất.

Hình ảnh một cơn bão ở cực Bắc của Sao Thổ.

Ảnh: NASA

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận