Hãng Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết, việc Triều Tiên thử thành công bom H (hay còn gọi là bom nhiệt hạch, bom khinh khí) đã đánh một dấu mốc quan trọng trong mục tiêu phát triển tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân có thể tấn công đất Mỹ của Bình Nhưỡng.
Cuộc thử nghiệm lần thứ 6
Ngày hôm qua (3/9), Triều Tiên đã có cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6. Cả 6 lần thử hạt nhân đều diễn ra tại khu thử nghiệm Punggye-ri, nằm sâu trong núi. Tuy nhiên, khó có thể kiểm chứng được thông tin này.
Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, quả bom ngày hôm nay là một thiết bị nhiệt hạch kép. Các chuyên gia nghiên cứu cơn địa chấn (mạnh 5.6 độ Richter) từ vụ nổ nói trên cho biết Triều Tiên đã rất gần tới việc chế tạo một quả bom H “hoàn hảo”.
Giới quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, vụ nổ hôm nay mạnh gấp 10 lần vụ thử hồi năm ngoái.
NORSAR, cơ quan quan trắc địa chấn Na Uy, ước tính sức mạnh bom Triều Tiên lên tới 120 kiloton, mạnh hơn rất nhiều quả bom “Little Boy” (15 kiloton) thả xuống Hiroshima và quả “Fat Man” (20 kiloton) tại Nagasaki vào cuối Thế Chiến II, bởi 2 quả bom nói trên là bom nguyên tử (bom A) chứ không phải bom H.
Kune Y. Suh, giáo sư kĩ thuật nguyên tử tại Đại học Quốc gia Seul cho biết: “Với mức năng lượng đó, có thể khẳng định đây là bom H và Triều Tiên đã chứng tỏ thành công năng lực quân sự của mình. Đây không phải dấu chấm than, đây là dấu chấm hết trong trò chơi hạt nhân.”
Hiện nay, Triều Tiên vẫn chưa chế tạo thành công đầu đạn đủ nhẹ để gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Việc phát triển bom H có thể là yếu tố then chốt để hoàn thiện tính năng trên, đảm bảo sức hủy diệt lớn cho một đầu đạn cỡ nhỏ.
Nhà vật lí, nhà sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế tại Washington, ông David Albright xác nhận sức nổ bom Triều Tiên có thể hủy diệt nhiều thành phố lớn. Tuy nhiên, ông vẫn hoài nghi liệu bom Triều Tiên có phải là loại nhiệt hạch kép hay không.
Phản ứng kép xảy ra như thế nào?
Một quả bom H thường dùng một quả bom hạt nhân sơ cấp (bom nguyên tử) để tạo ra vụ nổ thứ cấp mạnh hơn. Trong đó, bom nguyên tử được kích nổ, tức thực hiện phản ứng phân hạch (phân rã nguyên tử nặng như của chất uranium hay plutonium thành nguyên tử nhẹ hơn) để giải phóng năng lượng.
Năng lượng này giúp kích hoạt “giai đoạn hai” là phản ứng nhiệt hạch, tức phản ứng tổng hợp hai nguyên tử nhẹ thành một hạt nặng hơn (thường là tổng hợp hai đồng vị của hydro thành nguyên tử heli), đồng thời giải phóng ra năng lượng lớn hơn phản ứng phân hạch rất nhiều lần.
Năng lượng (tức vụ nổ hạt nhân) giải phóng từ phản ứng nhiệt hạch, khi hai hạt nhân đồng vị của Hydro là Deuteri và Triti được tổng hợp thành Heli (Ảnh: Chemwiki)
Do các hạt nhân đều tích điện dương và đẩy nhau, cần phải có một năng lượng rất lớn, hay một nhiệt độ rất cao để đưa chúng tới khoảng cách đủ gần để xảy ra phản ứng phản ứng nhiệt hạch.
Như vậy, một quả bom nhiệt hạch là một quả bom kép, trước tiên phải cho nổ bom nguyên tử để tạo điều kiện cho phản ứng nhiệt hạch xảy ra, còn vụ nổ đến từ phản ứng nhiệt hạch mới là đòn tấn công khủng khiếp nhất.
Do đó, bom H có thể có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần bom A.
Bom nhiệt hạch kép: Triều Tiên vừa đặt dấu chấm hết cho trò chơi hạt nhân? – Ảnh 3.
Cấu tạo bom nhiệt hạch kép. (Ảnh: Wikipedia)
Vài giờ trước vụ thử nghiệm, cơ quan truyền thông Triều Tiên đăng tải những bức hình cho thấy Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang xem xét một thiết bị có hình dạng đồng hồ cát, được cho là thiết bị sẽ được lắp trên ICBM.
Hình dáng của thiết bị này hoàn toàn khác biệt so với thiết bị có hình cầu được Triều Tiên đăng tải vào hồi tháng 3 năm ngoái. Các chuyên gia nhận định có khả năng cao đây là một vũ khí nhiệt hạch kép.
Chuyên gia tên lửa Chang Young-keun tại Đại học Vũ trụ Hàn Quốc nói: “Dựa trên hình dáng quả bom trên bức ảnh, có thể thấy phần trước là bom hạt nhân, khi được kích nổ bằng phản ứng phân hạch sẽ kích hoạt phần đằng sau nổ và tạo ra phản ứng nhiệt hạch.”
Ông Kim Jong Un và thiết bị được cho là bom nhiệt hạch của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
“Điều này lí giải tại sao một quả bom nhiệt hạch nổ 2 đến 3 lần. Với cùng trọng lượng và kích thước, bom H có thể nổ mạnh gấp hàng chục đến hàng trăm lần bom A.”
Cùng ngày mùng 3, Triều Tiên cũng lần đầu tiên đề cập tới khả năng tấn công từ tính (EMP). Cuộc tấn công EMP sẽ yêu cầu bom phát nổ trên không, và có thể hủy diệt các thiết bị điện tử của đối phương, bao gồm radar, máy tính, trạm điện.
Nhiều chuyên gia Mỹ đã tỏ ra quan ngại về cuộc tấn công trên, bởi nó có thể phá hủy nguồn năng lượng quan trọng cho mọi cuộc chiến, và đánh một cú mạnh vào hệ thống điện lưới và cơ sở vật chất của Mỹ.
Theo Thời đại