Theo đề án này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai các dự án (DA) thí điểm chuyển đổi năng lượng công bằng và hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng. Phát triển năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ 47% năng lượng sơ cấp.
Sau năm 2030, đưa việc sử dụng năng lượng sạch trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân; không xây mới và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, phát triển năng lượng tái tạo đạt khoảng 80-85% năng lượng sơ cấp.
Ở Thừa Thiên Huế đã hội đủ các yếu tố phát triển thủy điện, điện gió, mặt trời bởi có bờ biển dài, nhiều giờ nắng, tốc độ gió ổn định, diện tích mặt nước rộng… sớm trở thành trung tâm năng lượng khu vực. Hiện, hai nhà máy ĐMT đưa vào vận hành (nhà máy Phong Điền và Phong Điền 2) từ năm 2019, đạt sản lượng 68,37 triệu kWh/năm, vượt sản lượng thiết kế hơn 151%.
Bên cạnh đó, tỉnh đã dành 340ha đất tại huyện Phong Điền để phát triển ĐMT. Hiện nay có 1 DA đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với công suất 50MWp (Phong Hòa, Phong Điền) và 6 DA cũng nằm trên địa bàn huyện Phong Điền đã đề nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 375,8 MWp; UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 3 dự án ĐMT mặt nước (Cầu Hai, Tam Giang, Tam Giang mở rộng), tổng công suất 2.500MWp. Đồng thời đã quy hoạch 350ha tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô để phát triển điện khí LNG…
Sở Công Thương đang tham mưu với UBND tỉnh phát triển ngành công nghiệp bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, xây dựng các chính sách ưu đãi trong phát triển NLTT; khảo sát, đánh giá tiềm năng (điện mặt trời, mặt nước, điện gió…), từ đó có cơ sở để đầu tư, bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia, xây dựng nền công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
VN-Tek