Sáng 8/1, TAND Hà Nội khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử hai ông Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí – PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC.

Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh tại Tòa án Hà Nội.

21 chiếc xe cảnh sát đã đi vào cổng tòa án. Ông Trịnh Xuân Thanh là một trong những bị can đầu tiên bị áp giải rời xe thùng đi vào phòng chờ trước khi vào khu vực xét xử, đi bên cạnh là hai nam cảnh sát. Ông Thanh đeo kính, măc áo khoác mỏng màu xanh, bên trong áo sơ mi cũng tông màu,quần âu. Tay bị còng, ông cầm theo tập tài liệu bọc bên ngoài là tờ báo.

Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng trước giờ xét xử vào sáng nay.

Nhiều cảnh sát giao thông, hình sự và cơ động làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại quanh khu vực tòa án. Đường Hai Bà Trưng trước mặt tòa án bị phong tỏa với bán kính chừng 500m. Máy soi chiếu an ninh được đặt ở nhiều vị trí trong sân tòa án.

Sau đoàn xe của cảnh sát và những người làm nhiệm vụ bảo vệ, ông Phan Trung Hoài (một trong ba luật sư của ông Đinh La Thăng) là người đầu tiên làm thủ tục vào tòa. Ông cho biết đã xin vắng mặt trong phiên xử vụ án Phạm Công Danh cũng mở sáng nay tại TP HCM để tham gia phiên tòa này.

42 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo. Ông Đinh La Thăng mời 3 luật sư, gồm ông Phan Trung Hoài, Đào Hữu Đăng, Nguyễn Huy Thiệp. Năm luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, gồm: ông Nguyễn Quốc Hùng, Trần Hồng Phúc, Lê Văn Thiệp, Nguyễn Văn Quynh và bà Ngô Thị Thu Hằng.

Đây cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng quy định mới về phòng xử không có vành móng ngựa.

An ninh siết chặt tại nhiều lối đi vào khu làm việc của tòa án.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc những tội gì?

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Mức án ông Thăng phải đối mặt từ 15 đến 20 năm tù.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999). Khung hình phạt ông Thanh phải đối mặt lên tới án tử hình.

Trong 22 bị can có 17 người bị tạm giam, 5 người cấm đi khỏi nơi cư trú. Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 21/1.

Xin dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để nâng đỡ công ty con

Theo cáo buộc, từ năm 2008 đến năm 2012, Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) do ông Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Đức Thuận có 13 công ty con, 12 công ty liên kết và 18 công ty đầu tư tài chính với tổng giá trị đầu tư tài chính là 3.400 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ của công ty chỉ có 2.500 tỷ đồng. Vì tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.

Bắt đầu từ năm 2011, PVC đã phải trích lập dự phòng tài chính cho các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác.

Trong khi trước đó, cuối năm 2007, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình, gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đầu năm 2008, PVN giao cho công ty con là Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) thực hiện đầu tư dự án.

Nhà chức trách cho rằng để tạo điều kiện cho PVC, ngày 22/1/2010, ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN) xin Thủ tướng cho đưa Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng quản trị PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Ngày 11/6/2010, Thủ tướng có ý kiến đồng ý cho PVN chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.

Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết đồng ý giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Do đang mất cân đối về tài chính với mục đích để PVC có nguồn tiền sử dụng, các ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã chỉ đạo ông Nguyễn Duyên Hải (Phó Tổng giám đốc PVC) ký Công văn gửi ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh (Phó tổng giám đốc PVN) báo cáo phương án và kế hoạch triển khai Hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị can Trịnh Xuân Thanh (trái) và Đinh La Thăng.

Theo đó, PVC tiến hành ngay các công việc sau khi ký hợp đồng EPC và khởi công gói thầu như: Đàm phán và ký kết hợp đồng với Tư vấn (tháng 3/2011), Hoàn thiện bản vẽ mặt bằng tổng thể, thiết kế và triển khai thi công (tháng 3/2011), hoàn thiện Hồ sơ đề xuất gói thầu EPC theo tiến độ điều chỉnh thiết kế FEED và Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư (dự kiến tháng 3-5/2011).

Ông Đinh La Thăng chỉ đạo ông Đỗ Chí Thanh (Chủ tịch HĐQT PVPower) và Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) giao cho Nguyễn Duy Giang (Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVPower) soạn thảo Hợp đồng theo mẫu của Hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, đồng thời giao cho Phan Ngọc Hiền (Chánh Văn phòng PVPower) lấy trước số các công văn, tờ trình, quyết định về Phê duyệt dự án hiệu chỉnh, lựa chọn nhà thầu để đưa vào phần căn cứ của Hợp đồng và sẽ soạn thảo, ban hành các văn bản này sau khi ký hợp đồng EPC với PVC.

Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang và Vũ Đức Thuận đã ký Hợp đồng EPC số 33.

Cáo trạng kết luận việc chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là làm trái Điều 41 Nghị định số 85/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; điều 16, 17 Nghị định số 12/2009 quy định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; điều 9, 10 Nghị định số 48/2010 quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Cụ thể, Hợp đồng EPC số 33 được lập, ký không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có thật, nhất là không có điều 14 (Giá trị Hợp đồng và Thanh toán) của điều khoản và điều kiện Hợp đồng, không có Phụ lục 2 (điều kiện và quy trình thanh toán) quy định về khoản tạm ứng, không có thoả thuận Hợp đồng.

Hợp đồng được lập và ký chưa được Hội đồng thành viên của Chủ đầu tư phê duyệt và Ban quản lý dự án Thái Bình 2 báo cáo. PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng Hợp đồng với PVC nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã chuyển hơn 8 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng trái với các quy định của Nhà nước.

‘Chiêu bài’ chuyển đổi chủ đầu tư

Ngày 1/3/2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ngay sau khi ký Hợp đồng EPC số 33, ngày 2/3/2011, theo chỉ đạo của ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến (Phó Tổng giám đốc PVC) đã xin PVPower cho tạm ứng 72 triệu USD.

Do không có vốn nên cùng ngày 2/3/2011, ông Đỗ Chí Thanh (Chủ tịch HĐQT PVPower) đã ký Công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ Quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC.

Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, Đinh La Thăng chỉ đạo ông Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo Hợp đồng EPC số 33.

Để quản lý và triển khai dự án, ngày 31/3/2011, Đinh La Thăng ký Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (Ban Quản lý dự án). Trong cuộc họp ngày 31/3/2011 công bố Quyết định thành lập Ban quản lý dự án do ông Đinh La Thăng chủ trì. Các ông Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Hồng Chương, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận có tham dự.

Sau khi nghe ông Vũ Huy Quang đại diện PVPower báo cáo về việc Hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ, không thể tiếp tục thực hiện, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo: “Ban Đầu tư phát triển PVN làm đầu mối chỉ đạo và trình duyệt dự án đầu tư hiệu chỉnh theo hướng giảm chi phí trong tổng mức đầu tư; Ban Quản lý dự án rà soát lại tất cả các nội dung của hợp đồng EPC để tiến hành ký lại hợp đồng EPC giữa PVN và PVC”.

Lấy tiền xây nhà máy nhiệt điện để trả nợ

Theo cáo buộc, để giải quyết các khoản nợ xấu tại Công ty tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) do đầu tư dự án bị thua lỗ, ngày 7/6/2010, ông Đinh La Thăng cùng ông Phùng Đình Thực đã tổ chức cuộc họp với Ban lãnh đạo của PVFC. Sau cuộc họp này, ngày 8/6/2010, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT ký ban hành Nghị giao cho PVC nhận lại năm dự án do PVFC đã thực hiện góp vốn đầu tư có tổng giá trị là 793 tỷ đồng và giao ông Phùng Đình Thực (Tổng giám đốc PVN) chỉ đạo thực hiện.

Do đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, ngày 17/8/2010, ông Trịnh Xuân Thanh ký Công văn gửi PVN đề nghị xin vay vốn. Do vậy, ngày 20/10/2010, PVN và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ký Hợp đồng ủy thác để Oceanbank cho PVC vay vốn thực hiện thanh toán và bù đắp thanh toán các khoản đầu tư nhận chuyển nhượng từ PVFC. Tổng số tiền vay là 793 tỷ đồng.

Từ thực trạng trên, ngay sau khi được PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý và Nguyễn Mạnh Tiến đẩy nhanh việc ký Hợp đồng EPC số 33 khi chưa đủ thủ tục pháp lý, sau đó xin tạm ứng để có nguồn tiền sử dụng trả các khoản gốc, lãi các khoản nợ, đầu tư, góp vốn vào các dự án, công trình, công ty khác.

Sau khi được bổ nhiệm là Trưởng Ban Tài chính kế toán, qua rà soát tình hình tài chính của PVC, ngày 6/5/2011, Phạm Tiến Đạt lập Báo cáo về tình hình tài chính của PVC gửi HĐQT, ban Tổng giám đốc nêu rõ thực trạng PVC đã đầu tư quá nguồn vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng và hiện không còn nguồn tiền nào để hoạt động.

Vì vậy sau khi được PVN, Ban quản lý dự án tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng theo Hợp đồng EPC số 33, các ông Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Quý, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ đạo bị can Phạm Tiến Đạt sử dụng 1.115 tỷ đồng từ nguồn tiền này để đầu tư, góp vốn vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.

Ngày 24/2/2012, ông Phùng Đình Thực, lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN yêu cầu người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC (ông Trịnh Xuân Thanh) báo cáo tình hình sử dụng đối với nguồn kinh phí PVN đã tạm ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo cơ quan điều tra, ônng Trịnh Xuân Thanh xác nhận PVC đã sử dụng phần lớn số tiền tạm ứng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sai mục đích. Dù sau đó, số tiền này được yêu cầu thu hồi lại nhưng phải đến cuối năm 2017, khi vụ án ở giai đoạn điều tra mới thu được 1.087 tỷ đồng. Số tiền hơn 119 tỷ đồng bị xác định là thiệt hại.

Rút tiền dự án để tiêu Tết

Tháng 7/2011, ông Nguyễn Anh Minh (Phó Tổng giám đốc PVC) được phân công phụ trách Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh). Các ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành dự án) chuyển tiền để họ sử dụng.

Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/02/2012, Lương Văn Hòa đã cùng các cấp dưới hợp thức hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán bốn hạng mục khống. Nhà chức trách cho rằng, Lương Văn Hòa câu kết với Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) lập, ký bốn hợp đồng khống thuê công ty này thi công các hạng mục để rút tổng số hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.

Trong 13 tỷ này, ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng trong một lần chỉ đạo rút tiền để ông này tiêu Tết. Ông Vũ Đức Thuận chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh chiếm hưởng 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa chiếm hưởng 757 triệu đồng, Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.

22 bị can trong đại án Đinh La Thăng

14 người bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999)

  1. Ông Đinh La Thăng – cựu chủ tịch HĐQT PVN, đại biểu Quốc hội khóa XIV; ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.
  2. Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC.
  3. Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC.
  4. Nguyễn Mạnh Tiến, cựu phó tổng giám đốc PVC.
  5. Phạm Tiến Đạt, cựu kế toán trưởng PVC.
  6. Trần Văn Nguyên, cựu kế toán trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN.
  7. Lê Đình Mậu, cựu phó trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN.
  8. Nguyễn Ngọc Quý, cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC.
  9. Vũ Hồng Chương, cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2.
  10. Ninh Văn Quỳnh, cựu kế toán trưởng PVN.
  11. Nguyễn Xuân Sơn, cựu phó tổng giám đốc PVN.
  12. Nguyễn Quốc Khánh, cựu phó tổng giám đốc PVN.
  13. Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc PVN.
  14. Trương Quốc Dũng, cựu phó tổng giám đốc PVN.

10 người bị truy tố tội Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999):

  1. Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC
  2. Ông Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC
  3. Lương Văn Hòa, cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch;
  4. Nguyễn Lý Hải, cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.
  5. Lê Xuân Khánh, cựu trưởng Phòng Kinh tế – kế hoạch.
  6. Nguyễn Thành Quỳnh, cựu giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung – Công ty CP Đà Nẵng.
  7. Lê Thị Anh Hoa, cựu giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa.
  8. Bùi Mạnh Hiển, cựu giám đốc PVC.
  9. Nguyễn Anh Minh, cựu phó tổng giám đốc PVC.
  10. Nguyễn Đức Hưng, cựu trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.

VN-Tek

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận