Hôm nay 18/3/2019, Google Doodle thiết kế hình ảnh để vinh danh Seiichi Miyake. Vậy Seiichi Miyake là ai?
Seiichi Miyake và phát minh cách mạng cho người khiếm thị
Seiichi Miyake là một nhà phát minh người Nhật Bản. Ông nổi tiếng với công trình mang tên “Khối xúc giác” (hay “Gạch tenji”, “Gạch xúc giác”) dành cho người khiếm thị khi họ tham gia giao thông.
Nếu như chữ nổi của nhà phát minh người Pháp Louis Braille giúp cho người khiếm thị có thể đọc thì gạch xúc giác của Seiichi Miyake có thể giúp người khiếm thị tham gia giao thông an toàn.
Bắt nguồn từ mong muốn giúp đỡ người bạn thân khiếm thị của mình có thể dễ dàng nhận biết cảnh báo an toàn cũng như nguy hiểm trên đường đi, năm 1965, Seiichi Miyake đã dùng tiền của mình sáng chế ra các gạch xúc giác.
Phát minh của Seiichi Miyake từ mong muốn cá nhân (giúp đỡ người bạn khiếm thị) đã nhanh chóng lan trên thế giới và trở thành một “cuộc cách mạng” đổi mới mạnh mẽ cách những người khiếm thị điều hướng không gian công cộng trên toàn cầu.
Hai năm sau khi gạch xúc giác của Seiichi Miyake ra đời, thành phố Okayama (phía Tây Nhật Bản) là nơi đầu tiên lắp đặt công trình phát minh này dành cho người khiếm thị. 10 năm sau, nhờ lợi ích và tính khả dụng của nó, gạch xúc giác trở thành công trình bắt buộc trong Tuyến đường sắt Quốc gia Nhật Bản.
Các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu học tập Nhật Bản và lắp đặt gạch xúc giác này nhằm hỗ trợ việc tự di chuyển cho người khiếm thị. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy gạch xúc giác xuất hiện rộng rãi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và các thành phố của các quốc gia khác như Đức (Frankfurt), Pháp (Paris), Bỉ (Brussels), Hà Lan (Amsterdam), Vương quốc Anh (London)…
Vậy “Gạch xúc giác” hoạt động như thế nào?
Vì có tác dụng điều hướng không gian cũng như cảnh báo những nguy hiểm sắp tới trên đường đi nên Seiichi Miyake phát minh hai loại gạch xúc giác:
– Loại gạch xúc giác có chấm tròn: Có tác dụng cảnh báo người khiếm thị về nguy hiểm sắp tới trên đường đi. Chúng được lắp đặt tại các lề đường, các rìa lối băng qua đường, hố ga, sân ga…
– Loại gạch xúc giác có thanh bar: Cung cấp khả năng định hướng cho người khiếm thị, để họ biết rằng đang đi theo một con đường an toàn ở phía trước.
Công cụ đắc lực dùng trong việc xác định gạch xúc giác trên đường đi dành cho người khiếm thị chính là cây gậy trắng (hoặc gậy hỗ trợ). Ngoài ra, người khiếm thị có thể dẫn theo một chú chó dẫn đường hoặc cảm nhận gờ nổi của gạch xúc giác thông qua đôi giày của họ.
Nhờ công trình có ích của người khiếm thị, giúp họ cảm thấy tự tin khi tham gia giao thông, hôm nay, Google Doodle vinh danh nhà phát minh người Nhật Bản Seiichi Miyake trên trang chủ, hiển thị theo phong cách của các gạch xúc giác được chạm nổi trên nền màu vàng quen thuộc.
VN-Tek