Google vừa xác nhận thông tin sẽ mua một phần mảng di động của HTC với giá 1,1 tỷ USD. “Những nhân viên Google tương lai đó là những người tuyệt vời mà chúng tôi từng hợp tác mật thiết để sản xuất smartphone Pixel. Chúng tôi thật sự hào hứng chờ đợi các sản phẩm tương lai với tư cách người một nhà”, Rick Osterloh – Giám đốc mảng phần cứng của Google viết trên blog.
Với thương vụ này, Google cũng có quyền sử dụng những tài sản trí tuệ không độc quyền của HTC.
Tuy nhiên, HTC vẫn làm chủ mảng di động của mình, sau khi “bán đi” một nhóm nhân sự tài năng của mình cho Google. CEO HTC Cher Wang nói thỏa thuận này không ảnh hưởng đến “sự sáng tạo bên trong mảng di động và thiết bị thực tế ảo Vive”.
Trong thông cáo báo chí gửi đi, HTC cho biết họ đã chuẩn bị xong “một cách chủ động” cho việc ra mắt smartphone cao cấp thế hệ tiếp theo. Hôm qua (20/9), công ty này đã tạm dừng giao dịch chứng khoán tại Đài Loan để chuẩn bị cho “thông báo lớn” vào hôm nay (21/9).
Đây là lần thứ 2 Google thực hiện một vụ mua bán lớn liên quan đến các hãng sản xuất smartphone. 6 năm trước, họ bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola Mobility. “Cùng với nhau, chúng tôi sẽ tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời để thúc đẩy hệ sinh thái Android, đem lại lợi ích cho người dùng, đối tác và nhà phát triển trên toàn thế giới”, CEO Larry Page từng nói.
Dưới triều đại của Google, Motorola mở nhà máy tại Mỹ và tung ra chiếc Moto X. Đến tháng 1/2014, Google bắt đầu nhận ra vị “chát” của vụ mua bán này và sang nhượng lại công ty cho Lenovo (giữ lại hệ thống các bằng sáng chế quan trọng).
Sau vụ thử nghiệm thất bại với Motorola, Google tỏ ra nghiêm túc trở lại với mảng phần cứng sau màn ra mắt điện thoại Pixel, Pixel XL kèm loa Google Home và router Google Wi-Fi năm ngoái.
Google Pixel và Pixel XL (2016) là do HTC sản xuất. Ảnh: The Verge.
HTC chính là đơn vị sản xuất 2 chiếc Pixel 2016. 2 thiết bị này do Google thiết kế, được quảng bá như là smartphone của Google. HTC chỉ đóng vai trò là người đi gia công sản phẩm. Rick Osterloh, người đứng đầu mảng di động của Motorola khi nó là công ty con của Google, hiện là Giám đốc mảng phần cứng của Google.
Mua lại một phần mảng di động của HTC đồng nghĩa Google sẽ đối đầu trực tiếp các đối tác Android như Samsung, LG, Huawei – thậm chí còn trực tiếp hơn so với khi họ mua lại Motorola.
“Chúng tôi thực sự ấn tượng với dòng sản phẩm 2017 nhưng càng bị truyền cảm hứng hơn nữa bởi những sẽ ra đời sau 5, 10, 20 năm nữa”, Osterloh nói. “Tạo ra những sản phẩm tuyệt vời mà mọi người dùng hàng ngày là một hành trình và chúng tôi sẽ đầu tư dài hơi”.
Thương vụ này cũng giúp Google tiến gần hơn đến việc thống nhất mảng phần cứng và phần mềm, giống với cách Apple làm trên iPhone. Đầu năm nay, Google tuyển dụng một kỹ sự thiết kê chip của Apple với tham vọng tự tạo con chip của riêng mình.
HTC – một trong những nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới – đã có hàng chục năm hợp tác với Google và hệ hiều hành Android. HTC Dream là chiếc di động đầu tiên chạy Android, ra đời năm 2008. Không lâu sau đó, HTC giúp Google sản xuất chiếc Nexus One vào năm 2010.
Những di động của hãng này như HTC One X, One S, Windows Phone 8X hay dòng One mới với M7, HTC 10 hay U11 đều để lại dấu ấn đậm nét đối với người dùng.
Mặc dù luôn tạo ra những sản phẩm có thiết kế và phần cứng tuyệt vời, công ty này vẫn gặp khó trong việc phân phối chúng đến tay người dùng, bị các đối thủ như Apple hay Samsung bỏ lại phía sau. Việc hãng chỉ chấp nhận bán một phần mảng di động là điều bất ngờ.
Thiết bị phần cứng tiếp theo của Google, bao gồm chiếc Pixel 2 do HTC sản xuất, Pixel 2 XL (LG sản xuất) sẽ ra mắt vào ngày 4/10 trong một sự kiện tại San Francisco.
Nguồn Zing